Sửa luật về đầu tư chưa đụng đến chuyện 'cháy nhà, chết người'

18/10/2016 16:36 GMT+7

Sáng nay, Ủy ban TVQH đã yêu cầu Chính phủ chuẩn bị lại dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh để trình Quốc hội vào kỳ họp sau.

Trước đó, ngày 29.9, Chính phủ có Tờ trình số 363/TTr-CP về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, với phạm vi sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra dự Luật, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành là quá nhiều, nội dung sửa đổi của từng luật cũng khá lớn. Điều đáng nói là có nhiều luật mới được đề nghị sửa là các luật mới có hiệu lực thi hành, nhiều vấn đề như tính cấp thiết, tính thống nhất, đồng bộ cũng chưa được làm rõ.
Tại lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội này, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã rút phạm vi sửa đổi bao gồm các vấn đề cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp trong 3 luật là: luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp và luật Xây dựng.
Cho biết từng rất kỳ vọng vào dự luật này, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, sau phiên thẩm tra sơ bộ, Luật rút xuống còn 18 điều, chỉ sửa 3 luật thay vì 89 điều, sửa 12 luật như dự thảo ban đầu, thì ông không còn kỳ vọng nữa.
Theo ông Định, dự luật sửa đổi này có nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của việc sửa luật nên đề nghị Chính phủ xin rút để trình vào kỳ họp sau.
Sửa luật nhưng chưa tháo gỡ được rào cản cho doanh nghiệp
Ủng hộ sửa Luật để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ thất vọng khi đọc dự thảo Luật. “Thời gian quá gấp, hồ sơ thiếu báo cáo đánh giá tác động. Dự luật cũng chưa thấy rõ việc tháo gỡ rào cản tạo động lực cho doanh nghiệp, xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Hơn nữa, theo Chủ tịch Quốc hội, các nội dung đề xuất sửa trong dự luật này cho thấy chủ yếu chỉ liên quan thủ tục hành chính, như chứng chỉ kiểm toán viên, doanh nghiệp nào cần kiểm toán viên... , chưa thể hiện rõ tính cấp thiết của vấn đề phải sửa. “Những điều này không sửa thì có cháy nhà, chết người không?", bà Kim Ngân đặt câu hỏi.

tin liên quan

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Bộ Công thương từng là đơn vị bị “kêu” nhiều nhất về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, và đến nay nhiều doanh nghiệp cho biết họ cảm thấy mừng vì những vướng mắc, rắc rối này được tháo gỡ chủ yếu tại... Bộ Công thương!
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì bày tỏ băn khoăn quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại dự Luật. Theo ông Phúc, quy định như dự luật “phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường” là quá rộng. Đồng thời, việc thu hẹp lại như vậy không phù hợp quy định của Hiến pháp về việc mọi người có quyền kinh doanh các lĩnh vực pháp luật không cấm.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là luôn ủng hộ Chính phủ để cùng nhau chung lưng đấu cật giải quyết vấn đề của đất nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào luật Ban hành quy phạm pháp luật thì thấy rằng hồ sơ, thủ tục, quy trình, chất lượng của dự luật sửa đổi này chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, những vấn đề cơ quan soạn thảo đề nghị sửa chưa thật cấp bách.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý nếu làm không cẩn thận, dự luật này thậm chí không tạo thuận lợi mà còn cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh. Vì các lý do trên, ông Hiẻn đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ càng hơn để hoàn thiện lại dự thảo luật, chưa trình ra kỳ họp Quốc hội này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.