Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp là những ngôi nhà mới của hơn 80 em bé từng bị bảo mẫu bạo hành ở cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12). Đây cũng là nơi dư luận đặc biệt chú ý trong mấy ngày qua.
Sức khỏe trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng bây giờ ra sao?
Sau loạt bài điều tra của Báo Thanh Niên vạch trần những tội ác trong Mái ấm Hoa Hồng, dư luận đã rất căm phẫn trước những hành vi bạo hành nhẫn tâm và những chiêu trò trục lợi quà từ thiện tại mái ấm này.
Khi được đưa về nơi ở mới từ chiều 4.9.2024, hơn 80 em nhỏ đã được quan tâm chăm sóc đặc biệt và đã dần quen sau một ngày đêm.
Ngày 5.9.2024, đoàn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tới 3 trung tâm này để thăm các em nhỏ và động viên các bảo mẫu, cán bộ nhân viên.
Từ khi tiếp nhận các bé, do đang có dịch sởi nên Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình đã bố trí một phòng để cách ly tạm thời và bố trí nhân sự để chăm sóc các em nhỏ.
Chủ Mái ấm Hoa Hồng nghiên cứu, đối phó đoàn kiểm tra rất tinh vi
Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, cho biết ngày 4.9, các cháu cũng có một chút thay đổi môi trường, tâm lý thì thay đổi cho nên cũng hơi khó ngủ.
"Nhưng hôm nay các cháu đã có thể sinh hoạt lại 80-90% bình thường. Tất nhiên việc này cũng phải có thời gian nữa, sau khi chúng tôi cách ly các cháu ở đây 21 ngày để phòng chống dịch sởi, khi cách ly xong rồi chúng tôi sẽ chuyển các cháu xuống các phòng, khoa để làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu", ông Tuyến cho biết thêm.
Trong khi đó, Làng Thiếu niên Thủ Đức cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương quận 12, đặc biệt là trong công tác y tế, để chăm sóc sức khỏe và theo dõi tâm lý của các em nhỏ, hỗ trợ các em bị tổn thương.
Còn tại Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, đơn vị này đã bố trí thêm nhân sự để có thể về chăm sóc, nuôi dưỡng các em nhỏ từ Mái ấm Hoa Hồng.
Qua thăm khám sức khỏe ban đầu đầu, hầu hết các em đều ổn định. Tuy nhiên có một trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim và cho một trẻ có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến não. Hiện, hai bé đều được chăm sóc kỹ lưỡng và theo dõi chặt chẽ.
Trung tâm đã cử thêm 4 nhân viên để chăm sóc các em bé 24/24. Trung tâm sẽ phối hợp các bên liên quan để có được thông tin tiêm chủng ban đầu của các bé, nhằm kịp thời triển khai biện pháp phòng chống dịch sởi.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, cho biết: "Đối với khoa sơ sinh hiện nay của trung tâm đang quản lý 84 trẻ, với lực lượng của khoa rất là mỏng. Trung tâm đã cố gắng hết sức để tăng cường cho lực lượng bảo mẫu để hỗ trợ chăm sóc tốt nhất cho đối tượng trung tâm quản lý. Đặc biệt là đối với 15 trẻ này đã có một thời gian dài không được chăm sóc tốt cả về chăm sóc, nuôi dưỡng và y tế nữa".
Ông Lê Văn Thinh (Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Thanh Niên về tình trạng bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, đơn vị đã cử đoàn công tác phối hợp chính quyền địa phương để chuyển các em bé về các cơ sở bảo trợ công lập của thành phố.
Từ chiều 4.9 đến nay, các em bé đã được sống trong môi trường mới, với điều kiện sinh hoạt, vui chơi đảm bảo. Công tác tiếp nhận cũng thuận lợi. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết TP.HCM luôn có nguồn ngân sách dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh trong công tác bảo trợ xã hội.
[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 4: Nhẫn tâm trục lợi
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã gửi văn bản yêu cầu chính quyền địa phương xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật.
"Có thể khẳng định đây là một trong những tình huống chúng ta không mong muốn, các vấn đề xã hội luôn tồn tại. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước thì chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp địa phương để kiểm tra , quản lý, giám sát tất cả cơ sở bảo trợ xã hội đã cấp phép cũng như ngăn chặn các trường hợp không phép hoạt động không đúng quy định pháp luật", ông Thinh nói thêm.
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ thành lập 3 tổ công tác để kiểm tra và rà soát 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được cấp phép và 16 cơ sở công lập về điều kiện vật chất và nhân sự. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát các cơ sở đã cấp phép.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng cho rằng đội ngũ bảo mẫu trên địa bàn TP.HCM cần được tập huấn, đặc biệt về sức khỏe tinh thần, để tránh các áp lực công việc có thể gây ra xung đột với trẻ em.
Bình luận (0)