Nghiên cứu, được đăng trên tạp chí nghiên cứu Biochemical and Biophysical Research, do các nhà khoa học từ Đại học Reading (Anh) dẫn đầu, đã phát hiện chế độ ăn nhiều dầu mỡ có thể kích hoạt quá mức một loại protein phá hủy tim, làm tăng nguy cơ đau tim, gọi là Nox2.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của chế độ ăn giàu chất béo đối với mức độ căng thẳng ô xy hóa trên các tế bào tim của chuột.
Kết quả đã phát hiện ra rằng các tế bào của chuột có mức căng thẳng ô xy hóa cao gấp đôi, và dẫn đến việc các tế bào tim to gấp 1,8 lần do phì đại tim có liên quan đến bệnh tim, theo Hindustan Times.
Tác giả đầu tiên, tiến sĩ Sunbal Naureen Bhatti từ Đại học Reading, cho biết nghiên cứu này đã chỉ ra chế độ ăn nhiều dầu mỡ có thể gây tổn thương các tế bào cơ tim.
Dường như có sự chuyển đổi xảy ra ở cấp độ tế bào khi những con chuột được cho ăn theo chế độ nhiều dầu mỡ khiến nhiều protein - bình thường vô hại, lại trở nên hoạt động quá mức.
Tiến sĩ Bhatti cho biết thêm, dù còn sơ bộ, nhưng nghiên cứu này đã chứng minh rõ ràng rằng chế độ ăn nhiều dầu mỡ có nguy cơ gây ra những tổn thương đáng kể cho tim, theo Hindustan Times.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào loại protein làm tăng căng thẳng ô xy hóa trong tim.
Nghiên cứu cho thấy những con chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo, có lượng protein hoạt động này nhiều gấp đôi, điều này cũng làm tăng mức độ của các gốc tự do ô xy hóa - là chất có khả năng kiểm soát các chức năng, hoạt động của tế bào - có liên quan đến tổn thương bệnh lý của cơ thể.
Một trong những nguyên nhân lớn gây ra đột quỵ và đau tim chính là do các gốc tự do ô xy hóa này, bằng cách gây chết tế bào theo chương trình, làm cơ thể thiếu máu cục bộ, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ rất nguy hiểm, theo Hindustan Times.
Tác hại của việc ăn quá nhiều dầu mỡ
Tiêu thụ quá nhiều chất béo có hại cho sức khỏe. Theo Live Strong, thường xuyên ăn quá nhiều chất béo trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến các vấn đề như:
• Tăng cân và béo phì
• Bệnh tim và các vấn đề liên quan, như huyết áp cao
• Mức cholesterol trong máu và mức chất béo trung tính cao
• Hội chứng chuyển hóa
|
• Tiền tiểu đường
• Kháng insulin
• Bệnh gan nhiễm mỡ
• Đột quỵ
• Các vấn đề về phát triển thần kinh ở trẻ em và các vấn đề về thần kinh ở người lớn
• Các vấn đề về đường tiêu hóa, cũng có thể gây ra các vấn đề với hệ thống miễn dịch và viêm
• Ung thư
• Tăng nguy cơ mất thị lực do tuổi tác
Nhiều mối nguy hiểm của việc ăn quá nhiều chất béo bắt đầu từ các vấn đề nhỏ - như tăng cân, các vấn đề về tiêu hóa, huyết áp cao và cholesterol cao.
Có phải tất cả chất béo đều không tốt?
Tuy nhiên, những vấn đề này thường có thể được điều chỉnh bằng cách đơn giản là ăn một chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Trong nhiều trường hợp, thậm chí không cần phải giảm lượng chất béo, chỉ cần tiêu thụ chất béo lành mạnh hơn, theo Live Strong.
Những rủi ro sức khỏe của việc ăn quá nhiều chất béo thường do tiêu thụ chất béo không lành mạnh.
Mặc dù chất béo có tiếng xấu, nhưng không phải tất cả chất béo trong chế độ ăn uống đều được tạo ra như nhau.
Thực tế, một số chất béo có lợi cho sức khỏe và thậm chí được coi là cần thiết cho sức khỏe.
Có một số loại chất béo mà bạn có thể tiêu thụ hằng ngày, theo Live Strong.
A xít béo không bão hòa đơn:
Chất béo không bão hòa đơn, như a xít oleic và các a xít béo omega-9 khác, có nhiều trong dầu thực vật và bơ hoặc dừa.
A xít béo không bão hòa đa:
Chất béo không bão hòa đa, như a xít béo omega-3 và omega-6, có nhiều trong một số loại rau và đồ biển. Đây là những chất béo rất lành mạnh có vai trò đối với sức khỏe của nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể, bao gồm hệ thống miễn dịch, hệ thần kinh và hệ tim mạch. Chúng cũng có thể giúp giảm mức cholesterol và chất béo trung tính và một số loại thậm chí còn được sử dụng để điều trị các vấn đề sức khỏe, theo Live Strong.
Bình luận (0)