Nhiều người quy nguyên nhân vì người độc thân cô đơn hơn người kết hôn, mà tỉ lệ Forever Alone (FA - người độc thân) tăng, dẫn đến cô đơn tăng theo.
Ngày càng nhiều người trên toàn thế giới chọn sống một mình. Tại Mỹ, người ta dự đoán khoảng 1/4 thanh niên sẽ không kết hôn và ở châu Âu, tỉ lệ một mình một gia đình ở thành phố lớn đã vượt quá 50%, theo PT.
Bài báo trên The Wall Street Journal với tít The Loneliest Generation (Thế hệ cô đơn nhất) cho rằng, bởi vì khi cần, người độc thân không có ai để hướng đến nên họ cô đơn hơn những người có đôi có cặp. Tiến sĩ xã hội học Elyakim Kislev, giảng viên Đại học Do Thái Jerusalem (Israel), đã viết một bài phản pháo lại The Wall Street Journal trên PT.
Ông tin tác giả Thế hệ cô đơn nhất đã trộn lẫn người sống một mình với người cảm thấy cô đơn. Số liệu thống kê trích dẫn về người cảm thấy cô đơn hầu hết không liên quan đến người sống một mình.
Ví dụ, “1/11 người Mỹ từ 50 tuổi trở lên sống thiếu vợ/chồng, bạn đời hoặc con” dựa trên Điều tra dân số Mỹ, không liên quan đến những người thường cảm thấy cô đơn được lấy từ Khảo sát xã hội chung (8,3% trong Thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh - sinh từ năm 1946 đến 1964 và 5,6% trong Thế hệ X - sinh từ giữa những năm 1960 đến giữa những năm 1980). Có nghĩa là, những người cảm thấy cô đơn rất có thể đã kết hôn.
Tác giả thậm chí đã ghép các sơ đồ của hai khảo sát lại, như thể chúng được liên kết. Thực tế, hai phát hiện dựa trên các quần thể khác nhau và không thể so sánh hoặc kết hợp với nhau.
Người độc thân có cuộc sống xã hội sôi động
Tiến sĩ Elyakim Kislev tìm và phát hiện, dữ liệu hiện có cho thấy người độc thân, đặc biệt là độc thân dài lâu, là những cá nhân năng động xã hội và hoạt động xã hội nhiều nhất.
Phân tích của tiến sĩ Elyakim Kislev về hơn 300.000 người từ 31 quốc gia chỉ ra, những người góa bụa, ly dị và chưa bao giờ kết hôn gặp gỡ bạn bè của họ thường xuyên hơn lần lượt 17%, 20% và 45% so với đồng nghiệp đã kết hôn. Ông lý giải trên PT, người có gia đình thường rơi vào hôn nhân “tham lam” - vợ chồng dành phần lớn thời gian cho tổ ấm và cắt đứt quan hệ với bạn bè, người thân. Điều này thường khiến họ cảm thấy cô đơn hơn kẻ độc thân.
John Cacioppo, tác giả của Loneliness (Sự cô đơn), một trong những cuốn sách toàn diện nhất về chủ đề này, viết: “Một mình và cô đơn không giống nhau, nhưng cả hai đều bị kỳ thị trong xã hội của chúng ta… Một người độc thân hạnh phúc cũng lành mạnh như một người đã kết hôn hạnh phúc”. Quan điểm này được chứng minh bởi nhiều độc giả TWSJ khi họ khẳng định rằng họ hạnh phúc khi được ở một mình. Cô đơn là một vấn đề riêng biệt, tách rời khỏi tình trạng độc thân.
Độc thân có thể là giải pháp đẩy lùi, giảm bớt cô đơn
Khi so sánh sự khác biệt trong hành vi xã hội của các cặp vợ chồng giữa năm 1980 và 2000, các nhà nghiên cứu nhận thấy, năm 2000 vợ chồng ít tham gia vào một loạt các hoạt động xã hội, bao gồm thăm bạn bè, làm việc theo sở thích chung và đi chơi. Đồng thời, số dân chưa kết hôn trở nên lão luyện hơn trong xây dựng mạng lưới cá nhân.
Rõ ràng, kẻ kết hôn mới phải đối mặt với những rủi ro của sự cô đơn theo thời gian chứ không phải người “tự do”.
Ngược lại, số dân FA ngày càng tăng dường như đã thích nghi và thậm chí, phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây. Điều này có nghĩa là xu hướng chọn “solo” ngày càng tăng là niềm hy vọng chứ không phải điều tuyệt vọng.
Vai trò của tình bạn trong cuộc sống hàng ngày được củng cố giữa những người độc thân; sự hỗ trợ, mà theo truyền thống là thuộc về gia đình, nay được chuyển sang mạng lưới xã hội.
Tiến sĩ Elyakim Kislev nói trên PT rằng qua phỏng vấn, ông thấy nhiều người độc thân đã phát triển mạng xã hội mạnh hỗ trợ họ hàng ngày cũng như những lúc cần thiết. Đôi khi, những loại mạng này thậm chí là lý do khiến FA khao khát được ở một mình cuối ngày. Đó là khi họ trở về nhà sau buổi “quẩy” với bạn bè, đầy tiếng cười và niềm vui. Họ cần cân bằng niềm vui đó bằng khoảng thời gian yên tĩnh.
Sarah (44 tuổi, Israel) kể về trải nghiệm cô đơn nhất có thể nghĩ đến với PT: "Tôi ở Scotland 17 ngày. Tôi chỉ có một mình nhưng không cô đơn. Tôi chỉ thích được ở một mình”. Tuyên bố đáng chú ý này ủng hộ một số nghiên cứu từng chỉ ra mối tương quan giữa cô đơn và độc thân: một mình không có nghĩa là cô đơn hoặc muốn kết đôi.
Một nghiên cứu thực hiện trên 1.000 sinh viên phát hiện ra, sinh viên giữ định kiến sâu sắc với người độc thân, miêu tả họ là người cô đơn và chống đối xã hội. Nhưng người độc thân cư xử hoàn toàn khác so với những kỳ vọng xã hội áp đặt lên họ. Nghiên cứu 6 năm trên hơn 2.000 người cho thấy, dân FA dành nhiều thời gian hơn với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và hàng xóm so với nhóm có mối quan hệ dưới 3 năm và nhóm có mối quan hệ từ 4 - 6 năm, theo PT.
Vậy đấy, chắc chắn những người độc thân giao tiếp xã hội, kết nối mạng lưới xã hội và tình nguyện nhiều hơn một số đối tượng khác. Đã đến lúc ngừng đổ lỗi cho dân FA vì làm tăng tỉ lệ cô đơn, theo PT.
Bình luận (0)