Bệnh viện Từ Dũ: Số ca nhiễm cúm A/H1N1 nâng lên 28 người

Duy Tính
Duy Tính
04/06/2018 14:55 GMT+7

Sáng 4.6, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM, cho biết tại Khoa Nội soi (lầu 5, khu M) có tổng cộng tất cả 28 người nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 8 nhân viên y tế.

Tổng vệ sinh Khoa Nội soi
“8 nhân viên y tế đều có biểu hiện ho, sốt, đau nhức, hiện sức khỏe của họ đã ổn định. Tất cả họ đều được hướng dẫn nâng cao đề kháng và tránh lây lan cho người xung quanh”, bác sĩ Nhi nói.
Theo bác sĩ Nhi, đến thời điểm hiện tại, ở lầu 5 của Khoa Nội soi chỉ còn 5 bệnh nhân đang nằm điều trị các bệnh lý về phụ khoa, trong đó có một bệnh nhân bị cúm, 4 bệnh nhân còn lại không ghi nhận triệu chứng cúm. Về cơ bản, ổ dịch đã được khống chế.
Bắt đầu từ 12 giờ trưa nay, Khoa Nội soi sẽ tiếp nhận lại bệnh nhân mới
Theo bác sĩ Nhi, cúm A/H1N1 khá nguy hiểm đối với những trường hợp thai phụ mang thai dưới 5-6 tuần tuổi nên BV Từ Dũ đã chủ động sắp xếp một khu vực khám thai riêng hoặc hẹn dời lịch khám đối với những trường hợp này nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Sáng 3 và 4.6, Nhân viên vệ sinh BV Từ Dũ TP.HCM đã tổng vệ sinh Khoa Nội soi, tất cả sàn nhà, drap - giường bệnh, nệm, kể cả máy lạnh đều được vệ sinh, khử khuẩn. Ngoài ra, các lối đi sang các khoa phòng khác cũng được vệ sinh kỹ lưỡng nhằm tránh lây lan ra các khu vực xung quanh có thai phụ và trẻ sơ sinh. BV đã kích hoạt hệ thống giám sát toàn BV để nhằm ngăn chặn lây lan và phát hiện các ca bệnh mới (nếu có).
Sở Y tế vào cuộc
Sáng cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP và Trung tâm y tế dự phòng TP, đã xuống làm viện với Ban Giám đốc BV Từ Dũ về triển khai công tác phòng chống cúm A/H1N1 tại BV này.
Bác sĩ Hưng cho rằng đây cũng là bài học cảnh báo về tình trạng nhiễm khuẩn BV trong các cơ sở y tế, đặc biệt là những cơ sở y tế đông bệnh nhân. Ông đề nghị BV Từ Dũ và Trung tâm y tế dự phòng TP tiếp tục giám sát các ca bệnh ít nhất trong 2 tuần nữa. Đồng thời rà soát lại quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện; thông tin, tuyên truyền, giáo dục thói quen rửa tay cho nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân người bệnh.
Bác sĩ Hưng chỉ đạo ngay phòng khám, khu cấp cứu phải làm truyền thông bằng clip, các tờ phướn, băng rôn để cảnh báo. Các khu vực hành lang cần có các loại dung dịch sát khuẩn đề cho bệnh nhân rửa tay.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP, cho biết cúm A/H1N1 là loại cúm mùa khá lành tính với các triệu chứng bao gồm sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi. Hầu hết người nhiễm cúm tự hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số ít trường hợp cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt nếu người nhiễm cúm thuộc nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ mang thai, người có sức đề kháng yếu, người mắc các bệnh mạn tính.
Nhân viên y tế của BV Từ Dũ được hướng dẫn phòng chống cúm A/H1N1 lây lan Ảnh: Duy Tính
“Mùa cúm hiện đã qua, nhưng sự việc tại BV Từ Dũ là cơ hội xuất hiện chùm ca bệnh nếu kiểm soát tốt thì sẽ không lây lan cho cộng đồng”, bác sĩ Dũng nói. Theo bác sĩ Dũng, lâu nay, hoạt động chống cúm của TP chủ yếu là truyền thông. Hành vi vệ sinh cá nhân rất quan trọng trong phòng chống cúm A/H1N1, đó là hướng dẫn người dân vệ sinh, khử khuẩn hô hấp, ho che miệng, không khạc nhổ bừa bãi. Trung tâm y tế dự phòng sẽ tiếp tục giám sát ổ cúm tại BV Từ Dũ.
“Hiện nay tỉ lệ tiêm ngừa vắc xin cúm của người VN rất thấp, chưa đến 1%. Dọ vậy, các đối tượng nguy cơ như mắc bệnh mãn tính COPD, mang thai, trẻ em dưới 8 tuổi nếu mắc thì rất nguy hiểm… “, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Trước đó, ngày 1.6, Khoa nội soi, BV Từ Dũ phát hiện nhiều trường hợp là bệnh nhân, thân nhân người bệnh, nhân viên y tế có các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ. Sau khi xét nghiệm đã xác định 16 người dương tính với cúm A/H1N1.Tính đến ngày 2.6, đã có 28 người có biểu hiện nhiễm cúm, trong đó có 8 nhân viên y tế. Tất cả bệnh nhân được cách ly, điều trị và cho uống thuốc dự phòng đối với 83 người có lui tới Khoa Nội soi trong mấy ngày trước đó. 37 trường hợp bệnh nhân mổ phụ khoa bị hoãn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.