Biện pháp đơn giản để giảm rủi ro mắc bệnh ung thư

23/12/2016 19:15 GMT+7

Hiện nay, y học khẳng định ung thư là bệnh có thể phòng ngừa. Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa có thể giảm rủi ro mắc bệnh ung thư đến 30-40%.

Giảm rủi ro ung thư
Tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), khẳng định: Ung thư là bệnh có thể phòng ngừa.
“Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư. Vì vậy, người dân có thể phòng bệnh bằng cách hạn chế các yếu tố gây ra bệnh ung thư”, bác sĩ Thịnh cho biết. Trong đó, “thủ phạm” hàng đầu của nhiều bệnh ung thư là rượu, bia, thuốc lá khi sử dụng quá nhiều.
Theo bác sĩ Thịnh, việc sử dụng bia, rượu quá nhiều có thể dẫn đến ung thư thực quản, hốc miệng, dạ dày. Trong khi đó, thuốc lá được xác định “đưa đường” đến nhiều loại ung thư như: phổi, vú, cổ tử cung,…
Bên cạnh đó, để tránh rủi ro ung thư, người dân cần có chế độ ăn lành mạnh. Đó là ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi; không nên tiêu thụ nhiều chất béo, các loại thịt đỏ; tránh những loại thức ăn để lâu ngày, thức ăn bị nấm mốc.

tin liên quan

Chỉ đau lưng, đau bụng, khám ra… ung thư
Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám ở vào độ tuổi thanh xuân, sức dài vai rộng, chỉ đau bụng, đau lưng nhưng cuối cùng phát hiện ra… ung thư.
Nên ưu tiên ăn những thực phẩm tươi (trái cây, rau xanh, cá), tránh những thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn (như các loại đồ hộp, thịt xông khói, thức ăn nhanh…). Vì thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn đều có chất bảo quản. Không ăn những thức ăn muối mặn; thức ăn nướng quá đen, cháy.
Có chế độ vận động, thể thao trong ngày. Trong đó, bác sĩ khuyên, mỗi người cần vận động thể chất ít nhất 45 phút mỗi ngày.
“Ngoài ra, ung thư còn có yếu tố về bệnh nhiễm, liên quan đến nhiễm trùng. Vì vậy, chích ngừa, phòng ngừa các bệnh nhiễm có liên quan cũng góp phần hạn chế nguy cơ bị ung thư”, bác sĩ Thịnh khuyến cáo.
Trong đó, bệnh viêm gan siêu vi B, C được xác định là nguyên nhân quan trọng gây ung thư gan. Ung thư cổ tử cung gây ra bởi vi khuẩn HPV. Ung thư dạ dày liên quan đến vi khuẩn HP.
Bác sĩ Thịnh đánh giá: “Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trên có thể giảm rủi ro mắc bệnh ung thư đến 30-40%”.
Tầm soát bệnh ung thư như thế nào?
Theo bác sĩ Thịnh, phát hiện sớm nếu có bệnh ung thư sẽ giúp khả năng chữa khỏi bệnh cao và chi phí ít tốn kém. Hiện nay, các loại bệnh ung thư có thể được phát hiện sớm nếu người dân quan tâm đến sức khỏe của mình, tầm soát bệnh.
“Khám sức khỏe định kỳ hằng năm là rất quan trọng. Qua đó, sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường của cơ thể. Trong đó, có thể phát hiện sớm được các bệnh ung thư”, bác sĩ Thịnh khuyên.
Rất đông bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mỗi ngày Ảnh: Nguyên Mi
Về chuyên khoa, hiện tại, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có Đơn vị Tư vấn - Tầm soát phát hiện sớm ung thư. “Đây là khoa khám theo yêu cầu, bệnh nhân nào có lưu tâm thì có thể đến đăng ký khám tầm soát ung thư”, bác sĩ Thịnh cho biết.
“Hiện nay tại Việt Nam và cả trên thế giới không có một máy móc hay xét nghiệm nào có thể phát hiện được tất tần tật bệnh nhân có mắc ung thư hay không. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm tổng quát, tiền sử bệnh và dựa trên các yếu tố nguy cơ của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm chuyên sâu, tầm soát cụ thể”, bác sĩ Thịnh nói.

tin liên quan

Bạn biết gì về ung thư miệng?
Theo Quỹ Nghiên cứu ung thư Anh, tỷ lệ ung thư miệng tại nước này đã tăng 68% trong hai thập kỷ qua. Sự gia tăng này không phân biệt giới tính và tuổi tác.
Ghi nhận tại Đơn vị Tư vấn - Tầm soát phát hiện sớm ung thư, trên thực tế, có những người năm nào cũng đi khám. Sau 2-3 năm khám tầm soát thấy không có gì bất thường, sức khỏe bình thường thì bỏ, không đi tầm soát nữa. “Tuy nhiên, tốt nhất là nên đi khám, tầm soát mỗi năm để có thể phát hiện sớm bệnh”, bác sĩ Thịnh khuyên.
“Trong dân gian có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đặc biệt, với ung thư, nếu có bệnh và phát hiện trễ thì chi phí điều trị rất lớn, để lại nhiều hậu quả cho thể chất, tinh thần và khó khăn cho kinh tế gia đình. Vì vậy, phòng bệnh và tầm soát bệnh ung thư cực kỳ quan trọng”, bác sĩ Thịnh đánh giá.
Các ung thư khám sức khỏe có thể phát hiện sớm
Nhiều bệnh ung thư phổ biến hiện nay là ung thư tuyến giáp, ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, dạ dày… có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm qua các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp x-quang.
Cụ thể, ung thư vú có thể phát hiện sớm qua khám lâm sàng, siêu âm. Ung thư cổ tử cung có thể phát hiện qua xét nghiệm phết tế bào để phát hiện những biến đổi và vi rút HPV (có liên quan đến ung thư cổ tử cung). Ung thư tuyến giáp có thể phát hiện qua siêu âm.
Để tầm soát ung thư đại trực tràng thì nam giới sau 45 tuổi nên đi soi toàn bộ khung đại trực tràng một lần. Nếu không có bất thường thì làm lại sau 5 năm. Nếu có rối loạn tiêu hóa (lúc táo bón, lúc tiêu chảy) hoặc đi cầu ra máu thì người bệnh cần đi khám và kiểm tra.
Ung thư tiền liệt tuyến hiện có xu hướng gia tăng nên nam giới nên khám sức khỏe định kỳ, siêu âm.
Đối với ung thư dạ dày, thạc sĩ - bác sĩ Võ Duy Long, Phó trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khuyến cáo: những người bị mắc bệnh dạ dày (như loét, viêm dạ dày mãn tính, phẫu thuật dạ dày trước, polyp dạ dày, yếu tố di truyền, nhóm máu A) thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người bình thường. Nếu người bệnh có dấu hiệu đau bụng lâu dài, ăn không tiêu, đầy bụng hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình hoặc nhiễm virus HP lâu dài điều trị không hết thì nên đi tầm soát ung thư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.