BV Chợ Rẫy: Lần đầu tiên phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u tụy khổng lồ

Duy Tính
Duy Tính
25/01/2021 13:48 GMT+7

Thấy mình mỗi ngày một mập lên nên nữ bệnh nhân mặc cảm, bèn đi tập yoga giảm cân, bó bụng khi ra đường. Nhưng kết quả phẫu thuật cho thấy bệnh nhân mắc khối u tụy to nhất từ trước đến nay.

Ngày 25.1, bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng Khoa Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận điều trị, phẫu thuật cho nữ bệnh nhân B.T.X.T (35 tuổi, ngụ TP.HCM) có khối u tụy khổng lồ nặng 2,2 kg. Bệnh nhân đến bệnh viện quá trễ nhưng được điều trị triệt để.

Nịt bụng vì sợ chê mập, ai ngờ có khối u tụy lớn nhất thế giới

Một năm trước, nữ bệnh nhân phát hiện cơ thể có dấu hiệu mập bất thường, bụng bên phải to dần, ấn không đau, ăn uống được, không sốt, không vàng kèm tăng cân nên nghĩ mình mập. Kèm theo đó, nữ bệnh nhân có từng đợt sưng phù, đau chân phải kéo dài khoảng 2 - 3 ngày sau đó tự xẹp.
Ngoài ra, nữ bệnh nhân để ý búi trĩ lớn hơn lúc trước, sau khi đi vệ sinh phải dùng tay nhét trở lại ống hậu môn.
Nữ bệnh nhân xuất hiện tâm lý lo ngại vì bị đánh giá mập nên đi tập yoga, thường dùng đai quấn ngang bụng với hy vọng che sự tăng cân.
Gia đình thấy bụng nữ bệnh nhân bất thường nên đưa nữ bệnh nhân đi khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy có một khối u tụy to trong bụng trên của bệnh nhân, nên chỉ định phẫu thuật.
Kết quả phẫu thuật cho thấy khối u nằm đầu và thân tụy khổng lồ gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, viêm dính làm hẹp nặng tĩnh mạch cửa. Các bác sĩ cắt khối trọn khối u và 70% tụy, cắt đoạn tĩnh mạch cửa và nối lại. Khối u lấy ra có kích thước 20 cm, nặng 2,2 kg.
Trước mổ, nữ bệnh nhân không bị tiểu đường nhưng sau mổ bị tiểu đường do khối u to chiếm đầu tụy và thân tụy nên phải cắt bỏ khối u kèm đầu và thân tụy, nên tụy không đảm bảo hoạt động tốt, gây nên tình trạng tiểu đường phải điều trị kèm theo. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Nguyên nhân khối u tụy phải chờ kết quả giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch, nhưng 90% là u cơ trơn và thường là bướu mô đệm đường tiêu hóa.
“Bình thường, chúng tôi chỉ rạch chiều dài ở bụng 15 cm để lấy khối u tụy ra, với bệnh nhân này đường mổ dài đến 25 cm thì mới tiếp cận được khối u. Bình thường bóc tách u tụy chỉ mất 4 giờ, với bệnh nhân này phải mất 10 giờ mổ. Hơn 300 ca mổ u tụy của chúng tôi, khối u đầu tụy thông thường 1 - 1,5 kg, còn bệnh nhân này khối u to đến 2,2 kg” bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ nói.
Theo bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ, u tụy có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em rất hiếm gặp. U tụy có u ác tính và u lành tính, nhưng u tụy ác tính nhiều hơn (ung thư tuyến).
Nhưng khó phát hiện ung thư tụy ở giai đoạn sớm, chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe qua chẩn đoán hình ảnh phát hiện khối u hoặc khối u có triệu chứng mới đi khám. Nhiều bệnh nhân đi khám vì đau bụng, vàng da (do u tụy chèn ép đường mật) thì được phát hiện u tụy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.