Cẩn thận khi mắt có chấm trắng

02/05/2018 00:08 GMT+7

Đồng tử (con ngươi) có ánh sáng trắng. Ngoài biểu hiện này, hầu hết không có triệu chứng gì rõ rệt nên nhiều phụ huynh chủ quan không để ý.

Tuy nhiên, đó có thể là dấu hiệu trẻ bị nhiễm ký sinh trùng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây mù mắt.
Trốn kỹ như ký sinh trùng
Trường hợp bệnh nhân (BN) N.Q.T (7 tuổi, ngụ Bình Thuận) có triệu chứng mắt bị mờ dần, mỗi khi nhìn lên bảng phải nheo mắt lại và trong đồng tử có một chấm trắng. Người nhà cứ nghĩ bệnh nhân bị cận thị nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa mắt kiểm tra và được cho đeo kính hỗ trợ nhưng thị giác vẫn không được cải thiện. Khi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, em T. được chẩn đoán bị nhiễm ký sinh trùng loài chó. Qua tìm hiểu, người nhà cho biết bé T. có thói quen ôm chó ngủ từ nhỏ. Ban đầu, loại ký sinh trùng này xâm nhập vào hệ tiêu hóa, sau đó sống ký sinh trong cơ thể và di chuyển lên mắt, khiến thị lực ngày càng giảm sút. Rất may là do người nhà phát hiện sớm và được điều trị nội khoa với kháng viêm tích cực nên thị lực được bảo tồn.

Bác sĩ Nguyễn Thành Danh - khoa mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, chứng đồng tử trắng là dấu hiệu của bệnh nhiễm ký sinh trùng loài chó (Toxocara canis) - một loại giun đũa ký sinh ở ruột non của chó. Nang ấu trùng Toxocara canis hiện diện trong phân chó, dính trên lông. Khi ôm vuốt ve chó, trứng giun theo lông chó bám vào tay người, qua đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu và đi khắp cơ thể. Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở não, gan và các cơ quan nội tạng trong nhiều năm nếu không được điều trị. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 4 - 12 tuổi và thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi xâm nhập vào cơ thể, ở ruột non có thể gây đau bụng kéo dài, khó tiêu. Khi di chuyển lên đến mắt, có thể gây viêm trong mắt, ngứa, phù nề mi, cảm giác cộm xốn, đau nhức mắt. Nếu nhẹ thì giảm thị lực với biểu hiện đồng tử có chấm nhỏ màu trắng. Nặng hơn là ký sinh trùng phá hủy toàn bộ võng mạc thì bệnh nhân bị mất thị lực vĩnh viễn.
Cẩn thận với thú cưng
Phần lớn các triệu chứng biểu hiện của bệnh không điển hình và rất mơ hồ nên bệnh nhân và phụ huynh khó phát hiện, trong khi bệnh chỉ làm mờ mắt từ từ chứ không mù hẳn. Cộng với việc trẻ chưa ý thức về sức khỏe nên chỉ khi không nhìn được nữa mới thông báo cho gia đình biết. Kết quả, số trẻ mắc bệnh này bị mù rất nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Thành Danh cho biết: Quá trình chẩn đoán bệnh không dễ vì không thể tìm thấy trứng trong phân (ký sinh trùng không trưởng thành trong cơ thể người nên không đẻ trứng), cũng không thể sinh thiết nếu nang ấu trùng nằm sâu trong các mô cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể sẽ tạo ra một loại kháng thể đặc hiệu để kháng lại các loại ký sinh trùng này nên bằng xét nghiệm máu có thể phát hiện ra bệnh.
Hướng điều trị là nội khoa với kháng viêm, thời gian điều trị từ 21 ngày đến 30 ngày liên tục. Hầu hết bệnh nhân đều có thể phục hồi nhanh chóng và không để lại di chứng nghiêm trọng nếu được điều trị sớm và đúng cách.
Hiện nay, việc nuôi thú cưng được nhiều người hưởng ứng như một trào lưu, kiểu như “người yêu không có nhưng chó phải có một con”. Chính vì nuôi thú cưng theo kiểu “cho có với người ta” mà nhiều người không tìm hiểu cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho vật nuôi. Chó hay mèo nuôi cũng cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ, tắm rửa vệ sinh hàng ngày. Người lớn, trẻ em sau khi chơi với thú cưng, nghịch đất cát phải rửa tay sạch sẽ. Khi tẩy giun sán, không nên tự ý mua thuốc uống mà phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.