Cảnh báo ngộ độc quả 'lạ'

19/05/2017 05:11 GMT+7

Trong thiên nhiên có một số quả trông rất ngon mắt, dễ 'dụ' trẻ em hái ăn, nhưng ẩn dưới lớp vỏ đẹp có thể là chất gây độc cho cơ thể. Dịp hè cũng là thời điểm gia tăng các ca ngộ độc do ăn quả… lạ.

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận cùng lúc 5 bệnh nhi từ 3 - 11 tuổi (ngụ tại thôn Cây Táu, xã Đồng Quý, H.Sơn Dương, Tuyên Quang) vào cấp cứu do ngộ độc hạt thầu dầu. Gia đình các bệnh nhi cho biết, các trẻ này đã tự hái một chùm quả lạ để chia nhau ăn.
Sau ăn vài giờ, tất cả bị đau bụng, buồn nôn, nôn, được đưa đến BV cấp cứu. Khi tìm lại loại quả mà các con rủ nhau ăn mới biết đó là quả thầu dầu. Sau khi được điều trị tích cực tại BVĐK Tuyên Quang, 5 trẻ được chuyển lên BV Nhi T.Ư (Hà Nội) để tiếp tục điều trị giải độc tố.

“Toàn cây thầu dầu đều có chất độc nhưng bộ phận chứa chất độc nhiều nhất là hạt. Hạt thầu dầu có độc tố cao do có chứa chất ricin”, thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, BV ĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết. Theo bác sĩ Giang, ricin gây ức chế tổng hợp protein của ruột, tổn thương niêm mạc ruột và có đặc điểm hấp thu kém nên thời gian phát huy đầy đủ tác dụng độc phải kéo dài đến 5 ngày.
Cảnh báo ngộ độc quả “lạ” 1
Quả thầu dầu và quả hồng trâu Ảnh: Thúy Anh
Bác sĩ Giang lưu ý, chỉ cần nhai một hạt thầu dầu đã bị nôn mửa, trẻ em ăn 3 - 4 hạt có thể tử vong. Sau ăn hạt thầu dầu, người ăn thường có các triệu chứng: đau bụng, nôn nhiều, trường hợp nặng có nôn ra máu; tiêu chảy phân lỏng, nhiều lần; có các dấu hiệu mất nước; rối loạn tri giác, liệt dây thần kinh sọ não; gan to, vàng da, suy gan; tiểu ít, suy thận; tụt huyết áp... nặng nhất là tử vong.
Khi trẻ có dấu hiệu ngộc độc quả lạ (đau đầu, đau bụng, nôn có thể tím tái, khó thỏ…) cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất, có thể gây nôn, cho uống than hoạt giải độc, uống dung dịch oresol. Riêng trong trường hợp bị ngộ độc hồng trâu, cần vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ). Hầu hết các độc tố trong quả lạ hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Nguồn: Cục ATTP
“Hiện tại chưa có thuốc giải độc hạt thầu dầu, các gia đình không nên trồng cây thầu dầu và không sử dụng hạt cây thầu dầu. Nếu phát hiện trẻ có ăn hạt thầu dầu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, nhanh nhất để được xử trí”, bác sĩ Đỗ Thu Giang khuyến cáo.
Cảnh giác với quả ngon mà lạ
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã có các trường hợp bị ngộ độc quả hồng trâu. Đây là loại cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Quả hồng trâu tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt. Quả non vỏ màu xanh nhạt và khi chín chuyển sang màu tím và hơi mềm. Phía trong có lớp vỏ màu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp. Quả hồng trâu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hằng năm, trông khá ngon mắt. Quả chín cũng là thời điểm hè, các trẻ khi tự do vui chơi không biết quả độc nên có thể rủ nhau hái ăn. Ngay cả người lớn cũng đã có các ca ngộ độc, tử vong do ăn hồng trâu.
Theo Cục An toàn thực phẩm, độc tố của quả hồng trâu là alcaloid, chủ yếu có trong nhân hạt của quả. Chất này tác động mạnh lên tế bào cơ tim, gây phù phổi cấp khiến người ngộ độc suy hô hấp và trụy tim mạch dẫn đến tử vong.
“Để phòng chống hiệu quả những trường hợp ngộ độc tương tự, cần tuyệt đối không ăn quả hồng trâu và cũng như các loài quả dại khác, kể cả chỉ ăn thử nghiệm một lần”, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo. Các gia đình cần trông nom, quan sát trẻ cẩn thận; hướng dẫn các trẻ lớn nhận biết quả gây độc, không tự hái, ăn những quả lạ ngoài thiên nhiên.

tin liên quan

Sơn nữ biến thành bà già vì bệnh lạ
Khó mà nói hết sự kinh ngạc của chúng tôi trong lần đầu tiên gặp chị ở ngôi nhà nhỏ trên núi hôm ấy. Nhìn chị, không ai nghĩ được ở hình dáng ấy là một phụ nữ 34 tuổi. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.