Cứ 10 người chết thì có tới 7 người tử vong do bệnh không lây nhiễm

Liên Châu
Liên Châu
25/10/2019 15:28 GMT+7

Ở Việt Nam, cứ 10 người chết thì có hơn 7 người chết do bệnh không lây nhiễm . Có tới 44% số người tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi.

Tại hội nghị khoa học toàn quốc về quản lý bệnh không lây nhiễm do Tổng hội Y học tổ chức sáng nay 25.10, tại Hà Nội, Phó giáo sư -  tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nhấn mạnh bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số tử vong cao nhất trên thế giới, với khoảng 40 triệu người tử vong hàng năm (chiếm 70 - 75% số ca tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Ở Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có hơn 7 người chết do bệnh không lây nhiễm, và tập trung ở các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư.
Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm còn gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo bà Xuyên, là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh: vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, bia; chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng.
Bên cạnh đó, người dân sử dụng muối cao gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (9,4 gram/ngày, so với khuyến cáo là dưới 5 gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...
Chia sẻ tại hội nghị, Phó giáo sư - tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hầu hết bệnh không lây nhiễm liên quan đến lối sống và dinh dưỡng. Trong đó, hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý (ít rau canh, nhiều chất béo và đạm động vật, ăn mặn, nhiều đường), lạm dụng rượu bia, lười vận động là những tác nhân quan trong làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm: ung thư, tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim), tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính.
Đáng lưu ý, ước có 13 triệu người có rối loạn tâm thần, và thường gặp nhất ở người cao tuổi là trầm cảm - sa sút trí tuệ là rối loạn nặng nề nhất. Đây không phải bệnh ác tính nhưng ảnh hưởng chất lượng sống.
Theo ông Khuê, việc tiếp cận điều trị bệnh không lây nhiễm còn rất hạn chế, người bệnh chưa thuận lợi trong tiếp cận điều trị. Tại tuyến xã, hầu như chưa cung cấp dịch vụ về ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; y tế tuyến xã chủ yếu cấp thuốc điều trị huyết áp, đái tháo đường. Tuy nhiên, tuyến y tế này vẫn thiếu thuốc điều trị về số lượng, chủng loại, đặc biệt là thuốc huyết áp.
Với bệnh nhân đái tháo đường không có thuốc thường xuyên. Hiện mới có khoảng 19% bệnh nhân tăng huyết áp và 6% bệnh nhân đái tháo đường được lĩnh thuốc tại trạm y tế xã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.