Cụ ông nửa đời cứu những người bị rắn cắn

Gần 40 năm nay, ông Lã Văn Dung (74 tuổi, thôn Mỹ Dương, xã Thanh Mai, H.Thanh Oai, Hà Nội) vẫn ngày ngày chữa trị cho những người không may bị rắn độc cắn, bằng những bài thuốc dân gian từ thiên nhiên.

Ông “Dung rắn” là cái tên thân mật mà bấy lâu nay người làng vẫn gọi ông. Ông Dung chia sẻ, đến với nghề cứu người là một cơ duyên không hẹn trước với ông. Thời còn trong quân ngũ, một lần đơn vị ông đóng quân tại một vùng đất của người dân tộc thiểu số, ở gần nhà một thầy lang chuyên chữa rắn cắn cứu người trong làng. Thấy ông Dung chịu khó, ham học hỏi nên thầy lang này đã truyền nghề cho.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tạo - Trưởng thôn Mỹ Dương cho hay: “Ông Dung là một người sống chan hòa, tình cảm với hàng xóm láng giềng, ông có tài chữa rắn độc cắn, rất nhiều người đã được ông cứu giúp, giằng lại sinh mạng trước ranh giới cái chết và sự sống. Người dân trong làng luôn an tâm khi không may bị rắn cắn vì đã có ông “Dung rắn” luôn sẵn lòng cứu giúp cho họ”.

Từ đó, ông Dung dùng bài thuốc này chữa trị cho những đồng đội của mình không may bị rắn cắn khi đóng quân ở những vùng rừng rú. Vốn là người chịu khó học hỏi, ông Dung học thêm nhiều bài thuốc dân gian ở những nơi mình đi qua, rảnh rỗi ông lại đọc thêm sách y học, để tự nâng cao kiến thức và hy vọng sẽ cứu được nhiều người hơn.
Trở về quê hương sau năm 1997, ông Dung chưa từng nghĩ đến mình sẽ làm nghề y chuyên nghiệp hay kiếm tiền từ nghề y, nhưng tiếng lành đồn xa, ngày ngày cứ có những người không may bị rắn cắn lại tức tốc đến nhờ ông chữa trị. Ông kể, khi cả gia đình ông đang ngủ, mấy người thanh niên khiêng một người trung tuổi trong làng đến, nhờ ông khẩn cấp cứu chữa do ông này bị rắn độc cắn khi đang ở ngoài ruộng mướp. Ông Dung đã nhanh chóng hút nọc độc ở vết thương bằng mồm, sau đó dùng bài thuốc nam của mình để chữa trị, giúp bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Đó là lần đầu tiên ông Dung chữa rắn độc cắn cho người dân trong thôn. Từ đó, không chỉ người làng mà cả những người ở xa cũng biết đến “danh” của ông. Ông cũng không nhớ từ đó đến nay đã cứu bao nhiêu người bị rắn cắn, chỉ biết rất nhiều. “Ngày xưa cây cối rậm rạp, nhiều rắn độc, nên một tháng có vài người bị rắn cắn, nhưng nay bụi rậm ít đi, rắn không có chỗ trú ẩn, nên cũng ít rắn độc hơn. Có khi mấy tháng mới có một người không may bị rắn cắn. Mọi người bình an là tôi vui nhất rồi”, ông Dung chia sẻ.
Ông Dung nhớ nhất là lần chữa cho anh Bùi Quang Tạo ở thôn Vài, xã Hợp Thanh, H.Mỹ Đức. Cách đây 20 năm khi anh Tạo một lần lên rừng không may bị rắn cắn, lúc đó người bạn đi cùng đưa về, rồi tức tốc đưa anh Tạo đến nhà ông Dung. Anh Tạo lúc đó trong người có men rượu, rất khó cứu chữa, nhưng nếu để đến bệnh viện phải mất gần một giờ, sẽ nguy kịch. Ông Dung dùng mọi biện pháp, sau gần 2 giờ cứu chữa, anh Tạo từ trạng thái mặt mũi tím tái, khó thở, chân tay lạnh toát, đã có thể mở mắt và nói chuyện...

Ông Dung cũng cho biết: “Ngày trước thuốc dễ tìm, ai bị rắn cắn, tôi đều chữa không lấy tiền, nhưng cách đây khoảng 5 năm, tôi phải đi mua nguyên liệu về làm, nên cũng lấy chút tiền thuốc của bệnh nhân thôi, chứ không dám vụ lợi”.
Những người được ông Dung cứu sống đã luôn biết ơn và thường xuyên đi lại thăm ông như người nhà. Anh Bùi Quang Tạo chia sẻ: “Nếu không có ông Dung, tôi đã đi gặp tử thần cách đây 20 năm rồi. Ông Dung như người sinh ra tôi lần thứ hai”.

tin liên quan

Kỷ luật cán bộ y tế từ chối sơ cứu nạn nhân
Cho rằng cơ sở y tế xã thiếu vật dụng y tế, bà Hà Thị Vân - điều dưỡng viên Trạm y tế xã Hồng Phong (H.Cao Lộc, Lạng Sơn), không thăm khám và cứu chữa cho một người vừa bị tai nạn giao thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.