ĐH Harvard (Mỹ) tiết lộ 5 cách hiệu quả ngăn ngừa cơn đau tim

Thiên Lan
Thiên Lan
13/07/2020 14:16 GMT+7

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số 1 trên toàn cầu, ước tính 17,9 triệu người mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch bao gồm nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim.
Có đến 4/5 trường hơp tử vong do bệnh tim mạch là do các cơn đau tim và đột quỵ, và 1/3 trong số các trường hợp tử vong này xảy ra sớm ở người dưới 70 tuổi, theo Health.harvard.edu.com.
Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể có huyết áp cao, đường và mỡ máu đều cao cũng như thừa cân và béo phì.
Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là nhiều người không làm gì để tự bảo vệ mình, tiến sĩ Deepak L. Bhatt, giám đốc điều hành các chương trình tim mạch can thiệp tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Phụ nữ thuộc Đại học Harvard (Mỹ), cho biết, theo Health.harvard.edu.com.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch là cách tốt nhất để bảo vệ chống lại các cơn đau tim, tiến sĩ Deepak L. Bhatt nói.
Có những cách đơn giản để làm điều này, nhưng nhiều người vẫn không tuân theo để tự cứu mình.

5 triệu chứng đau tim

Đầu tiên cần sơ lược qua 5 dấu hiệu chính của một cơn đau tim, theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ:
• Đau, tức ngực ở giữa ngực hoặc bên trái ngực, kéo dài hơn một vài phút hoặc biến mất rồi đau lại.
• Cảm thấy yếu rã rời, xây xẩm, hoặc ngất xỉu. Cũng có thể toát mồ hôi lạnh.
• Đau hoặc khó chịu ở hàm, cổ hoặc lưng.
• Đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc vai.
• Hụt hơi, có thể xảy ra trước hoặc trong khi khó chịu ở ngực
Sau đây là 5 cách bạn có thể bảo vệ mình khỏi bệnh tim mạch và tự cứu mình, theo Health.harvard.edu.com.

1. Bỏ thuốc

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, theo thời gian có thể phá hỏng tim và mạch máu.
Nên nhớ rằng, ngay cả khi đã bỏ thuốc cách đây nhiều năm, tim vẫn có thể gặp nguy hiểm. Tùy vào số lượng thuốc đã hút và thời gian đã bỏ thuốc được bao lâu, nhưng có thể mất một thập kỷ hoặc lâu hơn để đảo ngược một số thiệt hại cho tim. Nhưng một số thiệt hại có thể là vĩnh viễn đến suốt đời, tiến sĩ Bhatt cảnh báo.
Những người không hút thuốc cũng có nguy cơ. Tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ 25 - 30%, theo nghiên cứu từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.

2. Giảm mức cholesterol

Giảm mức cholesterol là chìa khóa để bảo vệ chống lại cơn đau tim. Càng nhiều cholesterol xấu LDL trôi nổi trong máu, nguy cơ lắng đọng bên trong các động mạch vành càng cao.
Chất béo tích tụ hình thành mảng bám, làm hạn chế lưu lượng máu. Nguy hiểm là, khi một mảng bám vỡ ra, nó nhanh chóng thúc đẩy sự hình thành cục máu đông, có thể ngăn chặn máu mang ô xy đến cơ tim. Có thể dẫn đến một cơn đau tim có nguy cơ gây tử vong.
Lý tưởng nhất là mức cholesterol xấu trong máu LDL dưới 70 miligam mg/dL, theo Health.harvard.edu.com.
Nhưng cho dù mức LDL cao cỡ nào, thường xuyên vận động và ăn chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có thể làm giảm mức LDL này.
Ngoài ra, tập trung vào mức độ chất béo trung tính Triglyceride. Lý tưởng nhất là dưới dưới 150 mg / dL.

3. Kiểm soát huyết áp

Khoảng 62% nam giới từ 65 đến 74 tuổi bị huyết áp cao, nhưng đa số không biết.
Các hướng dẫn mới nhất định nghĩa:
• Huyết áp bình thường ở mức dưới 120/80 mm Hg.
• Huyết áp hơi cao là từ 120 đến 129/80 mm Hg.
• Cao huyết áp là từ 130/80 đến 139/89 mm Hg.
Cắt giảm trọng lượng dư thừa, tuân theo chế độ ăn kiêng chỉ gồm thực vật, tập các bài tập tim mạch và tập tạ thường xuyên, cắt giảm muối và các nguồn natri khác, có thể giúp giảm huyết áp.

4. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ không tốt dẫn đến sức khỏe xấu, tiến sĩ Bhatt nói. Không ngủ đủ giấc và ngủ không ngon do ngưng thở khi ngủ và mất ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất 7 giờ.
Nghiên cứu năm 2019 cho thấy, đối với người từ 40 đến 69 tuổi, nếu ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm, có nguy cơ lên cơn đau tim cao hơn 20% so với người ngủ từ 6 - 9 giờ.
Tuy nhiên, những người ngủ quá 9 giờ lại có nguy cơ cao hơn 34%, theo Health.harvard.edu.com.
Hãy kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu khó ngủ, hãy tắt nguồn ánh sáng xanh, như máy tính, TV, điện thoại ít nhất 2 - 3 giờ trước khi đi ngủ.

5. Giảm căng thẳng

Căng thẳng mạn tính có thể làm tăng viêm trong cơ thể, từ đó có thể làm tăng huyết áp và giảm mức cholesterol tốt HDL.
Tập yoga, khí công, thái cực quyền hay thiền định có thể giúp giải tỏa căng thẳng, theo Health.harvard.edu.com.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.