Đồ chơi bằng nhựa cũ có thể gây hại cho trẻ

11/02/2018 12:00 GMT+7

Trẻ chơi những đồ chơi cũ làm từ nhựa có thể phơi nhiễm một mức hóa chất như chì và catmi - đều là những chất gây ung thư và ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.

Theo Reuters ngày 10.2, các nhà nghiên cứu cho rằng trẻ vẫn có thể phơi nhiễm khi chơi đồ chơi đã được truyền qua nhiều thế hệ hoặc mua lại tại các cửa hàng bán đồ chơi cũ.
Cha mẹ có thể không biết mức độ nguy hiểm của những đồ chơi này bằng mắt thường.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Plymouth (Anh) đã sử dụng quang phổ huỳnh quang tia X phân tích sự hiện diện của các hóa chất trong 200 đồ chơi bao gồm xe, các khối xây dựng, các bảng đố, nhân vật đồ chơi, chữ số và các đồ trang sức.
Họ cũng đặt các đồ chơi vào dung dịch a xít hydrocloric để kiểm tra thêm mức độ ảnh hưởng của hóa chất lên dạ dày.
Bằng cách kiểm tra này, họ phát hiện một số đồ chơi giải phóng nhiều lượng brom, catmi hoặc chì vượt quá giới hạn của quy định về an toàn đồ chơi của Hội đồng châu Âu.
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng phát hiện một nồng độ cao những chất độc hại như antimon, bari, trong những khối đồ chơi để xây dựng, chữ số, nhân vật đồ chơi và đồ trang sức có màu vàng, đỏ và đen được các nhà nghiên cứu kiểm tra.
Andrew Turner, một nhà nghiên cứu về sức khỏe môi trường của Đại học Plymouth (Anh), nói với Reuters: “Kết quả này đã cho thấy một nồng độ khá cao các hóa chất mà đã bị cấm dùng chẳng hạn như chất nhuộm vàng”.
Những đồ chơi này được lấy ở nhiều nhà có trẻ em, các trường mẫu giáo và các cửa hàng đồ chơi từ thiện ở Anh. Chúng rất nhỏ để các trẻ nhỏ dễ nhai trong miệng.
Cho dù các đồ chơi này chứa các chất độc hại ở một mức thấp thì chúng vẫn có thể làm cho trẻ ngộ độc trong suốt thời gian dài trẻ chơi, đặc biệt khi trẻ nhai đồ chơi. Trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng sức khỏe hơn là người lớn vì quá trình trao đổi chất ở trẻ nhanh hơn người lớn.
TS Luz Claudio của Trường Y Icahn (New York, Mỹ) nói rằng nghiên cứu khuyến cáo ba mẹ nên chú ý đến các đồ chơi bằng nhựa bởi vì chúng có thể chứa những hóa chất độc hại mà có thể nhiễm vào cơ thể của trẻ khi trẻ nhai đồ chơi. Nếu cha mẹ có điều kiện nên thay đồ chơi mới cho con.
“Là một người mẹ tôi hiểu trẻ em hiện nay đang sống trong một thế giới nhiều đồ chơi nhựa và quây quanh những chất độc hại mà họ có thể phơi nhiễm. Khi ba mẹ nhận thức được điều này thì chắn chắn họ sẽ thay thế chúng bằng những đồ chơi khác để bảo vệ con họ”, TS Claudio nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.