Giảm cân cấp tốc, nhập viện cấp kỳ

16/04/2019 04:44 GMT+7

Bệnh viện Bình Dân TP.HCM vừa công bố một nữ bệnh nhân bị hư thận không hồi phục sau khi dùng sản phẩm giảm cân, một lần nữa cảnh báo tình trạng "loạn" quảng bá cũng như dùng bừa bãi sản phẩm giảm cân.

Đó là trường hợp chị N. (22 tuổi, ngụ Đồng Nai), cao 1,5 m, nặng 60 kg. Chị N. mua lại 250 viên sản phẩm giảm cân (không rõ tên, nguồn gốc) từ một người quen giá 500.000 đồng, uống liên tục 1 tháng.
Chị N. nghe giới thiệu đây là thảo dược uống an toàn. Những ngày đầu uống, chị giảm 6 kg, nhưng sau đó mệt mỏi, hoa mắt... phải đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Bình Dân, được bác sĩ (BS) xác định hư thận vĩnh viễn phải lọc máu.
Trước chị N., BV Bình Dân đã tiếp nhận nhiều trường hợp khác cũng nhập viện với tình trạng và tổn thương thận tương tự chị N. sau khi dùng sản phẩm giảm cân không rõ ràng.
Sản phẩm giảm cân được quảng cáo đầy trên mạng Ảnh chụp màn hình
BV Nội tiết T.Ư (Hà Nội) mới đây cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân 19 tuổi (ngụ Hà Nam), trong tình trạng nguy kịch do uống trà giảm cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân có chỉ số men gan 1.103 U/L, tăng gấp mấy chục lần so với mức bình thường (bình thường dưới hoặc bằng 31 U/L), tổn thương tế bào gan, suy gan; suy giảm chức năng thận.
Nữ bệnh nhân cho biết, do tin sản phẩm giảm cân được quảng cáo “thành phần hoàn toàn từ hoa quả thiên nhiên” nên đã dùng. Uống 2 - 3 tuần, bệnh nhân giảm được 5 kg nhưng thấy người mệt mỏi, khát nước, sụt cân, đầy bụng...

Quảng bá tràn lan, nguy hiểm

Gõ tìm trên Google “sản phẩm giảm cân” là xuất hiện hàng trăm loại với những lời quảng cáo có cánh “giảm cân nhanh, giảm cân an toàn, không tác dụng phụ...”, giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/sản phẩm. PV thử vào một trang quảng cáo sản phẩm giảm cân và được tư vấn dùng sản phẩm S. nhập khẩu từ Mỹ, thành phần gồm các loại trái cây, uống vào rất an toàn. Một hộp 1,5 triệu đồng uống 1 tháng. Muốn hiệu quả uống 3 hộp...
Bản thân tôi còn được giới thiệu dùng sản phẩm giảm cân với cam kết giảm 10 kg trong 3 - 5 tuần. Đáng nói, sản phẩm mà họ mời tôi mua là loại mà Cục đã thu hồi từ năm 2017, nhưng người gọi điện chào bán vẫn khẳng định sản phẩm có giấy phép đầy đủ
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế
Tìm “trà giảm cân” cũng cho kết quả tương tự. Có sản phẩm còn được quảng cáo khi uống vào không cần tập luyện cũng giảm cân, không hề gây tác dụng phụ vì đã được kiểm nghiệm bởi... hàng ngàn khách hàng (?). Mọi người từ già trẻ đều sử dụng được (trừ người mang thai) và không mập lại sau khi dừng sử dụng... Có thể giảm 5 - 10 kg theo ý muốn. Trang bán hàng online thì không có địa chỉ, chỉ có số hotline.
BS Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Lọc máu - nội thận BV Bình Dân, cho biết với phụ nữ, thừa cân luôn làm họ mặc cảm. Nhiều sản phẩm giảm cân được quảng cáo tràn lan trên mạng: giảm cân nhanh, an toàn với chiết xuất thảo dược. Đặc điểm chung của các sản phẩm này là làm lợi tiểu gây mất nước, làm sụt cân nhanh để đánh đúng tâm lý muốn giảm cân thần tốc của nhiều người.
BS Thùy cảnh báo, các sản phẩm giảm cân trôi nổi, có nguy cơ gây tai biến và nguy hiểm là có độc tính làm phá hủy cầu thận không thể phục hồi.
Y văn thế giới từng ghi nhận có trường hợp suy thận mãn tính do dùng sản phẩm có chứa acid aristolochic 1 (chiết xuất cây phòng kỷ), độc tính cao và đã được chứng minh có liên quan tới suy thận mãn tính.
Ngoài dùng viên giảm cân, có phụ nữ còn dùng trà giảm cân hoặc bột giảm cân không rõ tên, nguồn gốc. Theo BS Thùy, tình trạng suy thận diễn tiến rất nhanh chỉ sau khoảng hơn một tháng sử dụng các sản phẩm giảm cân, người dùng đi tiểu nhiều hơn bình thường, mất khoảng 10% trọng lượng chỉ khoảng 1 - 2 tuần và tiếp theo rơi vào tình trạng suy đa cơ quan như suy thận cấp, suy gan cấp, cơ thể mệt mỏi, phù toàn thân...

Nhiều thực phẩm chức năng chứa chất cấm

Trả lời PV Thanh Niên, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, cho biết thời gian qua đã phát hiện các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng giảm cân chứa sibutramine (tác dụng làm mau no) - là chất đã bị cấm sử dụng trong thuốc, thực phẩm cho người vì gây tác hại sức khỏe.
Tháng 3 vừa qua, Cục ATTP đã nhận được thông tin cảnh báo của Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA) không mua và sử dụng hai sản phẩm: “Hickel” và “Solomon Island - Soloco Traditional Candy” được bán online. Phòng thí nghiệm của HSA đã phát hiện hai sản phẩm này có chứa hàm lượng cao tadalafil, là dược chất không ghi trên nhãn sản phẩm; hoạt chất này được sử dụng để điều trị chứng rối loạn cương dương. Hàm lượng tadalafil trong “kẹo” này cao gấp 30 lần so với liều dùng hằng ngày cho phép. Nếu sử dụng hàm lượng cao tadalafil như vậy rất nguy hiểm, có thể gây tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, mất thị giác và thính giác.
Đầu tháng 4, Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cho biết, Cơ quan Quản lý dược phẩm Úc qua kiểm tra một loạt thực phẩm chức năng đã phát hiện một số sản phẩm có chứa hoạt chất phải kê đơn và chất đã bị cấm lưu hành.
Các sản phẩm gồm: viên nang Magnum XXL chứa tadalafil; viên nén X Power 3 chứa sidenafil; viên nang JOYSMI (chứa sibutramin); viên nang mềm Meizitang Botanical chứa sidenafil, sidenafil N-oxyd. Sidenafil cũng là hoạt chất của thuốc điều trị rối loạn cương, chỉ dùng khi có đơn của thầy thuốc.
Cục khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua sản phẩm qua mạng vì rất nhiều sản phẩm được quảng cáo, rao bán trên mạng nhưng khi làm việc với Cục ATTP, đại diện nhà sản xuất lại cho biết họ không thực hiện quảng cáo, không chịu trách nhiệm về sản phẩm trên các trang mạng đó. Thực tế đã có sản phẩm giảm cân được quảng cáo là thảo dược nhưng xét nghiệm đã phát hiện chứa chất cấm.
Theo ông Phong, qua thanh tra, kiểm tra, Cục ATTP cùng các cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều vụ, ngăn chặn nhiều sản phẩm vi phạm, song thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều nội dung quảng cáo hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có nơi còn tổ chức tư vấn qua điện thoại, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân.
“Hồi tháng 3, bản thân tôi còn được giới thiệu dùng sản phẩm giảm cân với cam kết giảm 10 kg trong 3 - 5 tuần. Đáng nói, sản phẩm mà họ mời tôi mua là loại mà Cục đã thu hồi từ năm 2017, nhưng người gọi điện chào bán vẫn khẳng định sản phẩm có giấy phép đầy đủ!”, ông Phong cho biết.
 
Những sai lầm khi giảm cân
Chuyên gia dinh dưỡng, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp (TP.HCM), cho biết hiện nay chị em thực hiện giảm cân nhưng mắc nhiều sai lầm, như: Nhịn ăn để giảm cân khiến người mệt lả, không làm việc được. Bỏ bữa dẫn đến rối loạn chuyển hóa nên sau đó hay ăn vặt. Ăn thiên về loại thực phẩm này, bỏ thực phẩm kia, dẫn đến rối loạn chuyển hóa, người mệt mỏi, tim đập nhanh, hụt hơi. Sai lầm quá cả tin vào những quảng cáo vô tội vạ trên mạng, các trang không chính thống, không biết nội dung đó do ai đưa ra rồi sử dụng sản phẩm dẫn đến nguy kịch phải cấp cứu. Hoặc tập luyện thể thao theo kiểu “ép xác”. “Muốn giảm cân, đầu tiên phải đi khám để được đánh giá tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng. Mục tiêu là để phát hiện bất thường để có thực đơn phù hợp”, theo BS Diệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.