Các chuyên gia của Bệnh viện Frederiksberg (Đan Mạch) đã xem xét dữ liệu của gần 63.000 nam giới sống ở nước này. Mỗi người được đo thể trọng và chiều cao vào lúc 7 và 13 tuổi, và lúc bắt đầu giai đoạn trưởng thành (17-26 tuổi).
Chuyên gia Lise Bjerregaard và các cộng sự cũng thu thập thông tin về việc các đối tượng trên có được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong thời gian từ 30 đến 60 tuổi.
Kết quả cho thấy nếu trẻ bị béo phì ở tuổi lên 7 và giảm cân trước tuổi 13, rủi ro mắc bệnh ở giai đoạn trưởng thành giảm xuống ngang với mức của người chưa bao giờ bị thừa cân.
Và khi một đứa trẻ thừa cân giảm thể trọng trước giai đoạn trưởng thành, nhưng không phải trước tuổi dậy thì, rủi ro mắc bệnh ở giai đoạn trưởng thành cao hơn 50% so với những người luôn giữ thể trọng bình thường.
Tuy nhiên, họ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn đáng kể so với những người vẫn bị thừa cân từ thuở ấu thơ đến đầu giai đoạn trưởng thành. Người bị thừa cân suốt thời thơ ấu đến đầu giai đoạn trưởng thành có rủi ro mắc bệnh lúc trưởng thành cao hơn 4 lần so với người luôn giữ thể trọng bình thường.
Những người thanh mảnh ở tuổi lên 7 nhưng tăng cân vào đầu giai đoạn trưởng thành cũng gia tăng rủi ro mắc bệnh.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận mặc dù mức rủi ro chính xác có thể dao động, họ tin những cộng đồng dân số khác nhau sẽ có thể chứng kiến một sự sút giảm rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 2 song song với việc giảm cân sớm.
Bình luận (0)