Giữa một thế giới ngày càng có nhiều người phát triển bề ngang, gia cố vòng 3 và tăng cường trọng lượng, chưa bao giờ ăn kiêng lại trở nên thời thượng đến thế. Hầu như hàng tuần, có khi hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng trong -ngoài nước cũng nói đến một phương pháp ăn kiêng hoặc một cuộc nghiên cứu nào đó mới về ăn kiêng giảm cân. Đâu có nhiều cầu thì ắt có lắm cung - "ngành công nghiệp ăn kiêng" không đứng ngoài quy luật thị trường, dẫu hầu hết các chế độ ăn kiêng cũng chỉ đứng trên 2 trụ cột cơ bản: giảm thiểu carbohydrate (chủ yếu chất bột, đường) hoặc giảm thiểu chất béo.
Giảm cân khủng? Chớ vội mừng!
Trước hết, cần phải nhìn nhận thấu đáo hơn về các số liệu thành công của việc ăn kiêng giảm cân. Đập vào mắt chúng ta hàng ngày là các thông tin đầy tích cực về những trường hợp giảm cân rất nhiều chỉ sau vài tháng nhờ áp dụng chế độ ăn kiêng cụ thể nào đó, nhờ chỉ ăn uống một loại sản phẩm nào đó... Người thật, việc thật được đưa ra, không tí nghi ngờ về độ xác thực. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì rất nhiều ca thành công rực rỡ sau đó mau chóng “phục hồi phong độ”, thậm chí còn tăng quá số cân ban đầu.
Viết trên báo New York Times, bác sĩ thần kinh Sandra Aamodt nhắc lại chương trình truyền hình thực tế thi giảm cân đình đám một thời ở Mỹ mang tên The Biggest Loser (Tạm dịch: Người giảm cân khủng nhất). Một cuộc nghiên cứu sau đó trên nhóm người tham gia giảm trung bình đến gần 60 kg cho thấy, nhóm người này tăng lại 70% trọng lượng 6 năm sau đó. Chế độ ăn kiêng ở The Biggest Loser chẳng phải là thất bại ghê gớm gì đáng chỉ trích. Thực tế là hầu hết các chương trình ăn kiêng đều rất khó đạt được tính bền vững, thậm chí ăn kiêng làm tăng nguy cơ béo phì sau này theo như kết quả nghiên cứu ở Phần Lan.
Chống lại não bộ?
Bác sĩ Aamodt - cũng là tác giả cuốn sách Vì sao ăn kiêng làm chúng ta béo: Hậu quả không biết trước về nỗi ám ảnh giảm cân giải thích sự chế ngự chuyển hóa là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà não bộ vịn tới nhằm ráng giữ cho cơ thể chúng ta ở trong một giới hạn cân nặng nào đó. Giới hạn này rất khác nhau ở mỗi người, do gien và kinh nghiệm sống qui định. Khi cân nặng của một người ăn kiêng giảm xuống dưới giới hạn đó, cơ thể không những tự điều chỉnh để đốt ít calorie hơn mà còn sản sinh nhiều hormone kích thích đói bụng hơn, cùng lúc càng thôi thúc cảm giác thèm ăn hơn.
Cơ chế não bộ qui định giới hạn cân nặng đã mặc nhiên xem giới hạn đó là thích hợp với bạn, cho dù bản thân bạn hay bác sĩ có đồng ý hay không. Nếu một người 60 kg mà giảm xuống chỉ còn 40 kg, não bộ ngay lập tức thiết lập tình trạng thiếu ăn khẩn cấp, làm mọi cách vì mục tiêu giúp bạn lấy lại cân nặng thích hợp với bạn. Hiểu được cơ chế của não bộ, chúng ta thấy rõ rằng việc giảm cân và duy trì giảm cân là cực kỳ khó trong khi tác dụng ngược rất dễ xảy ra. Số liệu tham khảo ở châu Âu chứng minh điều đó: vào năm 2002, có 231 triệu người từng cố gắng ăn kiêng nhưng chỉ 1% có thể giảm cân về lâu về dài.
Hạnh phúc với bữa ăn
Ai cũng biết ăn kiêng có thể khiến người ta rất căng thẳng. Việc giới hạn lượng calorie nạp vào cơ thể làm sản sinh hormone stress mà hormone stress thì hoạt động mạnh mẽ nơi các tế bào mỡ để tăng số lượng chúng lên. Ngoài ra, việc quá lo lắng về cân nặng và ăn kiêng dễ dẫn đến tình trạng ăn uống vô độ sau này, từ đó dẫn đến tăng cân. Báo New York Times dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy các bé gái vị thành niên thường xuyên ăn kiêng có nguy cơ ăn uống vô độ cao gấp 12 lần so với bình thường trong 2 năm sau đó.
Vậy giải pháp là gì? Đừng quá đặt nặng chuyện ăn kiêng mà thay vào đó lắng nghe tiếng nói của cơ thể để ăn một cách có ý thức: lắng nghe các tín hiệu não bộ phát ra về cảm giác đói, no mà tuân theo cơ chế xác định giới hạn cân nặng đó của não bộ. Tùy theo giới hạn ở từng người, ăn có ý thức có thể giúp giảm cân hoặc không nhưng thông thường, đó là công cụ hữu hiệu để duy trì cân nặng ổn định và giảm sự thèm ăn. Điều này cùng lúc giúp người ta hạnh phúc hơn vì đặt tâm trí vào việc thưởng thức thực phẩm thay vì quá căng thẳng, chống lại nó.
Đừng đổ tội cho thực phẩm
Khi ăn kiêng thất bại, người ta thường có khuynh hướng đổ lỗi tại chế độ ăn kiêng không tốt hoặc không thích hợp. Thực tế, một mình yếu tố thực phẩm khó lòng thay đổi trọng lượng của bạn, trái lại quá căng thẳng về thực phẩm có thể gây tác dụng ngược. Hãy thư giãn mà thay đổi lối sống lâu dài. Hãy thử chú ý đến một số yếu tố sau:
- Công việc: Nếu công việc khiến bạn ngồi ì một chỗ hoặc áp lực quá nhiều về thời gian, khiến bạn chẳng còn tâm trí thưởng thức những bữa ăn cho tử tế, cứ vội vã nạp thức ăn nhanh, cơm hàng cháo chợ thì khó lòng duy trì trọng lượng hợp lý.
- Môi trường: Nếu nhà bạn ở chung cư không có thang máy; nếu bạn phải đi bộ mỗi ngày ra trạm xe buýt; nếu bạn liên lục leo lên lầu, xuống lầu làm việc nhà; nếu gia đình bạn luôn giữ truyền thống cơm nhà... thì hãy tiếp tục duy trì tất cả những thói quen có lợi đó cho sức khỏe.
- Chất lượng thực phẩm chứ không phải loại thực phẩm đóng vai trò then chốt. Việc theo đuổi chế độ ăn kiêng nào không quá quan trọng cho bằng việc duy trì thói quen chọn loại ngũ cốc nguyên cám, rau hữu cơ, gà nuôi thả, thịt không mỡ... Tất nhiên, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, bột tinh chế, đồ chiên... cũng là thói quen đáng duy trì.
|
Bình luận (0)