Ngay trong chiều 31.7, hai bệnh nhân nặng được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai trong trình trạng nguy kịch do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Theo thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, sau khi chạy thận nhân tạo lúc 14 giờ chiều 30.7, một số bệnh nhân rét run, trong đó 3 bệnh nhân nặng nhất vì bị tụt huyết áp, 2 trong 3 người này đã được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, 2 bệnh nhân đã được điều trị hồi sức tích với mọi giá, bằng bù dịch, cấp ô xy, sử dụng kháng sinh phổ rộng và lọc máu liên tục.
Sau 2 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, đến sáng 2.8, 2 bệnh nhân đã có diễn biến tốt hơn, chỉ số sinh tồn khả quan. “Rất mừng là kháng sinh chỉ định cho bệnh nhân dùng cũng phù hợp kết quả cấy máu. Các bác sĩ đã tìm ra đích danh loại vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết. Hiện tại, 2 bệnh nhân chỉ sốt nhẹ 37,5 độ, không còn rét run như khi vào viện, dự báo sẽ diễn biến tốt hơn", ông Cơ chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An khiến 6 bệnh nhân có biểu hiện sốt, rét. Ngay khi có sự cố, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã ngưng chạy thận. Hơn 100 bệnh nhân thận nhân tạo khác tại đây đã được liên hệ với các đơn vị chạy thận nhân tạo khác để lọc máu theo đúng chu kỳ, đúng ca.
“Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng về hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, chúng tôi đã lấy các mẫu nước trong đó để gửi xét nghiệm tại Viện Sức khỏe môi trường (Hà Nội) và đang chờ kết quả. Biến chứng trong thận nhân tạo liên quan nhiều vấn đề, trong đó nước là yếu tố quan trọng”, TS Dũng cho biết.
Theo đánh giá của TS Dũng, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An đã làm đúng quy trình về xét nghiệm và sục rửa đường ống và nguyên nhân đang được điều tra. Tuy nhiên, lúc này quan trọng nhất là cứu chữa bệnh nhân.
Bình luận (0)