Khi nào nên đi khám tâm thần?

07/04/2019 09:10 GMT+7

Áp lực công việc và học tập gia tăng được cảnh báo đang tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

Tọa đàm “Rối loạn liên quan stress và gánh nặng” vừa được Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT) T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tổ chức tại Hà Nội.
Theo Viện SKTT T.Ư, đang có xu hướng tăng tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau liên quan đến stress với khoảng 15% dân số (theo nghiên cứu điều tra của Bộ Y tế năm 2017), gấp 3 lần so với năm 2010.

Không phải “hâm hâm dở dở” mới là bệnh tâm thần

Khi nào nên đi khám tâm thần?
Theo TS-BS Dương Minh Tâm, ai cũng có những cảm xúc căng thẳng nhất định nhưng sau đó sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu mình vốn khỏe nhưng sau này bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch (hồi hộp, trống ngực) mà không thể giải thích được về mặt cơ thể, không tìm thấy căn nguyên gây triệu chứng và bệnh thường dao động theo trạng thái tinh thần, thì nên đi khám tâm thần.
TS-BS Dương Minh Tâm, BS điều trị rối loạn liên quan stress, Viện SKTT T.Ư, cho biết nhiều bệnh nhân (BN) đến Viện rất muộn do đa phần không nhận biết được mình bị bệnh gì, hoặc đều nghĩ bệnh tâm thần phải là "hâm hâm dở dở", trong khi bệnh thật ra ẩn dưới nhiều biểu hiện khác nhau, thậm chí trước khi được điều trị đúng bệnh, họ được “nhận diện” các bệnh lý hoàn toàn khác như: tim mạch, hô hấp...
Trong khi đó, rối loạn tình dục, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống đều liên quan đến tâm thần. Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng gặp các sự cố về SKTT mà căn nguyên đều liên quan đến stress.
BS Tâm lưu ý: Lo âu do tình trạng stress kéo dài chiếm tỷ lệ rất cao từ 2,9 - 9%. Lo âu là sự lo lắng, căng thẳng không phụ thuộc vào yếu tố kích thích. Lo âu khác lo lắng; mai đi thi nay lo lắng, bồn chồn, bất an, tim đập nhanh, đánh trống ngực. Lo âu thường kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, triệu chứng giống hệt lo lắng. Vì thế, các BN hay đến khám chuyên khoa tim mạch hơn là tâm thần. Tình trạng này gặp ở cả nam và nữ.
Chuyên gia cũng cho hay, triệu chứng lo âu thậm chí chủ yếu lại được chẩn đoán là triệu chứng thần kinh thực vật với biểu hiện: khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, trống ngực, đầu chếnh choáng…; đã có nhiều người được chẩn đoán nhầm là: rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não… Nhưng sau nhiều đợt dùng thuốc điều trị, các bệnh trên đều không thuyên giảm.
“Thực tế đó khiến nhiều BN đến khám các chuyên khoa khác trong suốt thời gian dài, khám nhiều nơi rồi cuối cùng mới được động viên sang khám chuyên khoa tâm thần”, BS Tâm cho biết.
Viện SKTT T.Ư mới đây tiếp nhận BN nữ 38 tuổi vào viện vì đau đầu kéo dài, mất ngủ (chỉ ngủ 1 - 2 giờ/đêm). Gặp căng thẳng, BN xuất hiện hồi hộp, tức ngực, vã mồ hôi, dạ dày trào ngược. Trước khi được giới thiệu đến khám tâm thần, BN này đã đi khám các chuyên khoa: dạ dày, thần kinh, tim mạch, hô hấp; được uống nhiều thuốc tại các tuyến điều trị mà không khỏi bệnh. Khi đến Viện SKTT T.Ư, được khám trực tiếp và chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa, BN đỡ bệnh rất nhanh trong quá trình điều trị tại đây.
BS Dương Minh Tâm cho biết thêm, nhiều người khi gặp các rối loạn liên quan stress thường tìm đến game, rượu bia, ma túy, cờ bạc..., dẫn đến rất khó điều trị. Đây là phương thức tự tìm cách giải quyết những khó chịu, buồn phiền. Đầu tiên dùng ít để giải khuây, sau dùng nhiều gây nghiện. Khi vào viện, phải cùng lúc vừa điều trị tâm thần vừa điều trị nghiện chất.

Stress tuổi học đường

Các bác sĩ cũng lưu ý: Nhiều trường hợp bị rối loạn sang chấn và tỷ lệ mắc suốt đời rối loạn sang chấn rất đáng kể, trong đó stress sang chấn chủ yếu liên quan bạo hành, ấu dâm, bị lạm dụng tình dục. “Người lạm dụng tình dục hầu như không phải là mắc bệnh mà họ làm việc đó vì có điều kiện thuận lợi. Còn những đứa trẻ bị lạm dụng sau này bị stress sang chấn rất nhiều”, bác sĩ lo ngại.
Ngoài ra, lứa tuổi học sinh (thường ở lứa tuổi THPT, THCS) có thể gặp rối loạn phân ly khi xảy ra những sự việc như: hàng loạt học sinh xuất hiện nôn mửa, cả trường ngất, lên cơn co giật, phân ly tập thể. Đây là bệnh lý tâm thần. Có nhiều rối loạn phân ly: co giật, xỉu, bệnh này gặp 1,6% ở nam và 1,4% ở nữ.
Đáng lưu ý, stress ở tuổi học sinh còn là do áp lực học tập từ cha mẹ, thầy cô.
“Có bệnh nhân vào viện với lý do mất phương hướng không biết học làm gì, chỉ biết học vì bố mẹ, thầy cô yêu cầu. Các vấn đề này thường gặp nhiều hơn ở học sinh trường chuyên, lớp chọn”, bác sĩ nói và cho rằng phụ huynh, nhà trường cần tăng cường cho các em thời gian vui chơi, hoạt động văn thể mỹ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.