Kỹ thuật mới trong thụ tinh ống nghiệm giúp loại bỏ phôi mang gien bệnh

Liên Châu
Liên Châu
13/07/2020 08:59 GMT+7

Ngày 12.7, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức kỷ niệm 8 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 - 2020) và hội thảo về điều trị hiếm muộn.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết Khoa Hỗ trợ sinh sản đã thực hiện thành công cho hàng ngàn ca hiếm muộn, trong đó có các ca khó như: hiếm muộn trên 20 năm, thất bại sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm, vô tinh... Mới đây nhất, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật nuôi phôi dài ngày (xu hướng nuôi phôi ngày 5) kết hợp chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGT) trong thụ tinh ống nghiệm, giúp loại bỏ các phôi mang gien bệnh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ có thai, tỷ lệ em bé chào đời của nuôi phôi ngày 5 so với ngày 2, 3 đều cao hơn hẳn. Với PGT, đây là kỹ thuật được sử dụng trong y học sinh sản để xác định những bất thường về mặt di truyền ở các phôi được tạo ra qua quá trình thụ tinh ống nghiệm; từ đó giúp tránh việc chuyển phôi mang các bất thường nhiễm sắc thể nghiêm trọng vào tử cung người mẹ.
Kỹ thuật này đã được bệnh viện thực hiện cho những trường hợp bố mẹ cùng mang gien thalassemia (tan máu bẩm sinh), hemophilia (máu khó đông); vợ chồng bất thường nhiễm sắc thể, phụ nữ lớn tuổi..., giúp các cặp vợ chồng sinh con bình thường, khỏe mạnh.
Việc ứng dụng kỹ thuật trên đã tăng khả năng mang thai, sinh con khỏe mạnh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh cũng như thêm cơ hội mang thai, sinh con cho phụ nữ sẩy thai nhiều lần, những cặp vợ chồng thất bại nhiều lần trong thụ tinh ống nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.