Người phá vỡ 'đồng hồ sinh học' có nguy cơ rối loạn tâm thần cao hơn

17/05/2018 14:21 GMT+7

Nghiên cứu mới ở Anh cho thấy những người phá vỡ đồng hồ sinh học, tức hoạt động về đêm hoặc không hoạt động vào ban ngày, có rủi ro bị rối loạn tâm trạng tăng cao, theo hãng tin UPI.

Các chuyên gia của Đại học Glasgow nhận thấy một chu kỳ ngủ-thức đều đặn giúp tránh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và các tình trạng khác.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Laura Lyall chủ trì đã phân tích dữ liệu của 91.103 người tuổi từ 37-73 từ kho dữ liệu y tế UK Biobank được thu thập từ năm 2013-2015. Những đối tượng này đeo thiết bị cảm biến gia tốc trong 7 ngày để theo dõi hoạt động của họ và trả lời các bản câu hỏi nhằm đánh giá những triệu chứng rối loạn tâm thần và những câu hỏi chủ quan về tình trạng sức khỏe và chức năng nhận thức.
Sau đó, mô hình toán học được sử dụng để tìm ra một mối tương quan và đánh giá rủi ro.


Các chuyên gia nhận thấy những người hoạt động ban đêm hoặc không hoạt động ban ngày có rủi ro bị chẩn đoán rối loạn tâm trạng cao hơn 6-10% so với những người có chu kỳ bình thường, tức hoạt động ban ngày và nghỉ ngơi vào ban đêm.

Việc phá vỡ đồng hồ sinh học còn tạo ra tình trạng cô độc nhiều hơn, kém hài lòng về sức khỏe và hạnh phúc hơn, cũng như làm suy giảm chức năng nhận thức. Những kết quả này vẫn không thay đổi khi xem xét những tác nhân như tuổi tác, giới tính, lối sống, học vấn, chỉ số khối cơ thể và chấn thương thời thơ ấu.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san The Lancet Psychiatry.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.