Những cách ngăn chặn biến chứng bệnh tiểu đường

02/10/2014 16:30 GMT+7

(TNO) Những người bị tiểu đường sẽ nhận thấy tầm quan trọng của chế độ ăn uống, việc tập luyện thể dục cùng một số thói quen tốt có tác dụng như thế nào trong việc quản lý căn bệnh mãn tính này.


Duy trì thói quen tập thể dục giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường - Ảnh: Shutterstock

Theo Amy Jamieson-Petonic, chuyên gia dinh dưỡng và là Giám đốc Trung tâm sức khỏe Cleveland Clinic (Mỹ), tiểu đường có 5 triệu chứng phổ biến nhất là: Khát nước và đi tiểu thường xuyên (khi đường dư thừa, tích tụ trong máu, chất lỏng sẽ thoát ra từ các mô trong cơ thể. Kết quả gây ra hiện tượng uống nước nhiều và đi tiểu nhiều hơn bình thường); Đói cùng cực (nếu không có đủ insulin để chuyển đường vào các tế bào, cơ bắp và các cơ quan trong cơ thể trở nên cạn kiệt năng lượng. Điều này gây nên đói dữ dội ngay cả sau khi vừa ăn xong); Giảm cân (mặc dù ăn nhiều hơn bình thường, nhưng bạn vẫn không thể tăng cân, thậm chí cân nặng còn sụt giảm đến mức đáng báo động); Mệt mỏi; Mờ mắt.

Tiểu đường có thể gây ra các biến chứng lâu dài như: đau tim, đột quỵ, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tổn thương thần kinh hoặc bất lực ở nam giới.

Quản lý bệnh tiểu đường để tránh sự tấn công của các biến chứng là điều vô cùng quan trọng. Trong thực tế, một nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm tại Mỹ phát hiện rằng nếu người nào kiểm soát được lượng đường trong máu luôn ở mức bình thường, họ có thể giảm 50% nguy cơ bị các biến chứng phát triển.

Laurie R. Roust, tiến sĩ, bác sĩ nội tiết Bệnh viện Mayo tại Mỹ cho biết, không có cách chữa bệnh tiểu đường, nhưng có rất nhiều phương pháp có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu nhằm duy trì cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng và ngăn ngừa các biến chứng.

Tập thể dục. Tập thể dục không chỉ giúp giảm cân mà còn có tác dụng giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn trong việc chuyển đổi glucose thành năng lượng cho các tế bào. Theo Health, tập thể dục là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Cơ xương chắc khỏe sẽ giúp lượng đường trong máu được sử dụng hiệu quả. Khi cơ bắp được rèn luyện, nó sẽ đẩy lượng đường ra khỏi máu và giúp quản lý lượng đường trong máu tốt hơn. Các bài tập aerobic hằng ngày hoặc thói quen đi bộ là những vận động đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cho những người bị tiểu đường. 

Ilana Fishman, mẹ của cặp song sinh 4 tuổi tại Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 khi mới 11 tuổi chia sẻ bí quyết giúp cô sống khỏe với căn bệnh mãn tính này là, ngoài việc tiêm insulin, cô cố gắng tập thể dục ít nhất ba đến bốn lần một tuần. Vào những ngày không vận động, Ilana phát hiện lượng đường trong máu cao hơn và cô cảm thấy mệt mỏi, chậm chạp.

Quản lý căng thẳng. Ở những người bị bệnh tiểu đường, căng thẳng có thể làm thay đổi lượng đường trong máu theo những cách khác nhau. Thứ nhất, những người bị căng thẳng nghiêm trọng có xu hướng không chăm sóc tốt cho bản thân và có thể hình thành thói quen uống rượu, ăn chế độ không lành mạnh và bỏ qua tập thể dục. Thứ hai, kích thích tố căng thẳng cũng có thể trực tiếp làm thay đổi lượng đường trong máu.

“Quản lý căng thẳng và điều trị lo âu hay trầm cảm là vấn đề vô cùng quan trọng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường”, tiến sĩ Roust cho biết. Ông nói thêm, căng thẳng quá mức có xu hướng làm trầm trọng thêm lượng đường trong máu. Để giảm bớt hoặc kiểm soát căng thẳng, theo các chuyên gia, tập thể dục, thiền định, đọc sách, nghe nhạc có thể giúp ích.

Hiệp hội Bệnh tiểu đường Mỹ nói rằng nếu bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng, bệnh nhân có thể xem xét việc tham gia một nhóm hỗ trợ. Biết những người khác trong tình trạng tương tự giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn. Ngoài ra, bạn còn có cơ hội học hỏi thêm những bí quyết hoặc những bài thuốc mới để đối phó với vấn đề này.

Chăm sóc chân, da, răng miệng và mắt. Sắp xếp thời gian đến bác sĩ kiểm tra răng miệng, bàn chân và da - những dấu hiệu liên quan đến bệnh tiểu đường chẳng hạn như đau hoặc khô là điều vô cùng cần thiết. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể, và thường gặp nhất là ở mắt, thận, thần kinh. Người bị tiểu đường có nguy cơ cao bị mù mắt, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị các vấn đề về mắt có thể giúp bảo vệ cửa sổ tâm hồn của bạn.

Theo Hiệp hội Bệnh tiểu đường Mỹ, kiểm soát đường huyết kém có nhiều khả năng gây ra các vấn đề răng miệng. Chăm sóc răng miệng tốt, chẳng hạn như đánh răng hai lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa hằng ngày và đi khám răng thường xuyên cũng có tác dụng giúp ngăn chặn các biến chứng. 

Khoảng một nửa bệnh nhân tiểu đường bị tổn thương thần kinh, hoặc bệnh thần kinh. Tổn thương thần kinh có thể khiến bạn bị tê liệt và do đó, không nhận thấy đau hoặc các vấn đề khác, đặc biệt là ở bàn chân. Chỉ cần vết loét trên bàn chân không được điều trị, một thời gian sau có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, buộc phải cắt cụt chân.  Vì vậy, thường xuyên kiểm tra chân cũng là lời khuyên hữu ích cho những người bị tiểu đường.

Ngoài các biện pháp trên, những người bị tiểu đường cũng cần thực hiện một số khuyến cáo quan trọng khác của các chuyên gia nhằm quản lý căn bệnh mãn tính này là: Tránh uống rượu, tiêm chủng, không hút thuốc, uống aspirin mỗi ngày, thường xuyên theo dõi cholesterol và huyết áp.

Ngọc Khuê

>> Miếng dán kiểm soát bệnh tiểu đường
>> Chuyện 'yêu' của người bệnh tiểu đường
>> Kiểm soát bệnh tiểu đường 'mùa tiệc tùng
>> Bệnh tiểu đường ở trẻ em
>> Quế và bệnh tiểu đường
>> Vũ khí mới giúp chống bệnh tiểu đường
>> Ăn việt quất ngừa bệnh tiểu đường
>> Bệnh tiểu đường làm tổn hại não

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.