Ngày 2.1, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết sản phụ L.K.P (32 tuổi, địa chỉ thường trú tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tạm trú tại TP.Đà Nẵng) nhập viện trong tình trạng cấp cứu sau khi sinh thường tại nhà, được nhân viên Cấp cứu 115 cắt dây rốn và đưa đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng điều trị theo dõi.
Kỷ lục sản phụ với nhiều cái “không”
Mặc dù được cấp cứu theo dõi điều trị sau sinh nhưng cả sản phụ và người nhà hạn chế tuyệt đối việc trao đổi, tương tác, thăm khám, không cho nhân viên y tế thực hiện các quy trình tiếp xúc, can thiệp y tế cho cả mẹ và bé sau sinh.
“Người nhà không cho tiếp xúc thăm khám, thậm chí đòi đưa về và không cho đụng chạm gì đến mẹ và bé. Tuy nhiên, để theo dõi đảm bảo an toàn cho cả hai, bệnh viện đã thuyết phục giữ lại viện và huy động ê kíp bác sĩ sản khoa có nhiều kinh nghiệm với những tình huống phát sinh ở các ca sinh thuận tự nhiên để theo dõi, tiếp xúc…”, bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Huỳnh Thị Diễm Thúy, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng) cho biết.
Tại bệnh viện, tất cả các giải thích mang tính chuyên môn, thuyết phục các bước can thiệp y tế đối với gia đình và sản phụ đều có văn bản ghi lại. Người nhà sản phụ cũng ghi rõ cam kết: “không muốn sử dụng thuốc kháng sinh, không khâu tầng sinh môn, không dùng thuốc tăng co sau đẻ. Không dùng thuốc cho em bé, không đội mũ cho bé, không đồng ý chuyển bé đi Khoa Nhi sơ sinh”.
Các bác sĩ chăm sóc mẹ con sản phụ P. tại Khoa Hậu sản - Dưỡng nhi cũng cho biết bệnh nhân không hợp tác y tế, không cho khám, không cho may tầng sinh môn dù rách và ra máu nhiều, không chịu xét nghiệm máu để bệnh viện kịp thời hỗ trợ đúng loại máu nếu có nguy cơ phát sinh cấp cứu, không siêu âm kiểm tra sót nhau, sót màng. Không dùng thuốc kháng sinh cho cả mẹ và bé gồm K1, uốn ván, viêm gan B. Đặc biệt không cho tiêm mũi uốn ván cho cả mẹ và bé dù sinh và cắt dây rốn ở ngoại viện..., gia đình muốn sinh theo phương pháp thuận tự nhiên”, báo cáo giải trình của bệnh viện gửi Sở Y tế Đà Nẵng ghi rõ.
Cảnh báo cấp cứu nguy cơ cao với các ca sinh thuận tự nhiên
Trường hợp sinh thuận tự nhiên bên ngoài bệnh viện như chị P. dẫn đến tình trạng tầng sinh môn rách và chảy máu nhiều, nhưng sản phụ không cho khâu, không cho xử trí vết thương. Các bác sĩ phải kiên trì thuyết phục…
“Hiện tại tầng sinh môn của sản phụ trong tình trạng hở toàn bộ, dù không còn ra máu nhưng cũng sẽ khiến sản phụ gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để có thể phục hồi, gây nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng máu”, BSCK2 Võ Thị Vy Lộc, Trưởng Khoa Hậu sản - Dưỡng nhi, cảnh báo.
Suốt nhiều ngày sau khi sản phụ P. nhập viện, các bác sĩ bệnh viện tích cực theo dõi “trường hợp đặc biệt" này. Vì trước không được theo dõi sinh, kiểm tra bánh nhau; sau thì không cho siêu âm, không cho khám nên các bác sĩ chỉ biết theo dõi các biểu hiện phản ứng cơ thể để biết sản phụ có sót nhau, sót màng… hay không để hỗ trợ can thiệp kịp thời.
Cũng tại đây, em bé sơ sinh chỉ được mặc quần áo, cả bố mẹ đều kiên quyết không cho đội mũ giữ ấm đầu cho cháu dù tiết trời Đà Nẵng đang lạnh. “Đặc biệt, cháu bé có chút thiệt thòi so với các em bé sơ sinh khác là không được áp dụng phương pháp da kề da sau sinh, tiếp xúc sau sinh với cơ thể mẹ để đảm bảo thân nhiệt, đảm bảo điều kiện xúc tác giúp phát triển ổn định. Ngay cả đội mũ giữ ấm đầu cho em bé mùa lạnh bố mẹ cũng không chịu… ”, bác sĩ Lộc nói.
Bệnh viện cho biết, đây là ca sinh thuận tự nhiên đầu tiên không hợp tác trong can thiệp y tế thường quy đối với mẹ và bé. Khoảng một năm trước cũng có 1 ca, chỉ cho phép thực hiện các bước can thiệp y tế nhưng tuyệt đối không được truyền máu. “Đến khi hồng cầu xuống quá thấp, bệnh viện phải hội chẩn quyết định truyền tế bào hồng cầu để cứu mẹ. Thuyết phục mãi gia đình mới cho truyền tế bào hồng cầu. Điều đó chứng tỏ sản phụ và gia đình cũng không hiểu bản chất vấn đề chăm sóc sau sinh nhưng cứ làm theo hiểu biết của mình, dẫn đến khó khăn cho các y bác sĩ trong việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người bệnh, gây gánh nặng chăm sóc y tế về sau”, bác sĩ Thúy thông tin.
Còn theo bác sĩ Lộc, khi có dấu hiệu sắp sinh con, các sản phụ nên đến các cơ sở y tế để được theo dõi sinh, bảo vệ an toàn, giảm tỉ lệ tử vong cho cả mẹ và bé trong các ca sinh. Nếu sinh tự nhiên thì sẽ chảy máu không kiểm soát được dẫn đến mất máu, khả năng phục hồi thấp, sót nhau sót màng, nhiễm trùng…
Đặc biệt, khi sinh thuận tự nhiên, bà mẹ không được tiêm phòng uốn ván. Em bé có nguy cơ cao khi hạ thân nhiệt, suy hô hấp. Nếu không được cấp cứu và hỗ trợ ngay lập tức bằng các phương tiện, thiết bị chuyên môn thì nguy hiểm tính mạng, tổn thương não.
Bình luận (0)