NCoV tồn tại lâu trên bề mặt đồ vật
Với kinh nghiệm trong điều trị bệnh truyền nhiễm, GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), cho biết: Vi rút Corona chủng mới (nCoV) bề mặt mọc các chồi nhú, các gai bám dính vào tế bào phổi gây tổn thương phổi, khi vào cơ thể cũng khống chế tế bào bạch cầu gây suy giảm miễn dịch khiến cơ thể suy yếu, tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn khác.
“nCoV khi ra môi trường rất dễ chết bởi tác động ánh sáng tia cực tím, nhiệt độ cao, ê te, cồn, chất khử trùng có clo, sát khuẩn thông thường hoàn toàn tiêu diệt được vi rút”, GS Kính cho biết.
nCoV lây qua giọt bắn khi rơi xuống đất sẽ nằm trên các mặt phẳng, đặc biệt là mặt phẳng, kim loại trong môi trường lạnh, ẩm thì có thể sống được 1 - 3 ngày. Đặc tính đó nhắc nhở chúng ta làm tốt hơn việc khử khuẩn trong bệnh viện, các vật dụng tại nơi có ca bệnh.
“Khi vào cơ thể người do hít phải giọt bắn có vi rút, chúng chủ yếu tồn tại trong đường hô hấp. Một số rất ít tồn tại trong đường tiêu hóa. 95 - 98% người nhiễm nCoV có bệnh cảnh hô hấp, ngoài ra cũng có một số trường hợp có tiêu chảy hoặc suy thận - điều đó không là đặc tính mới hoặc bất thường với vi rút này”, GS Kính cho hay.
|
Nâng cao đề kháng là rất quan trọng
“Khi vào đến đường hô hấp, chúng ồ ạt tấn công gây tổn thương nhiều cơ quan, gây sốc nhiễm trùng, ức chế bạch cầu, giảm bạch cầu, suy giảm miễn dịch, bội nhiễm đường hô hấp, viêm phổi. Do đó, nâng cao đề kháng cơ thể là rất quan trọng để chống lại nCoV”, ông nhấn mạnh. Với hầu hết người khỏe mạnh, tình trạng bệnh nhẹ, có thể khỏi sau 7 ngày.
Các ca bệnh nặng nhất là bệnh nhân có bệnh nền (đái tháo đường, tim mạch, bệnh nhiễm trùng khác), do đó cần phối hợp chuyên khoa để điều trị. nCoV thường gây bệnh cảnh nhẹ, thậm chí không có biểu hiện bệnh nhưng với trường hợp nặng có thể gây viêm phổi, suy thở, suy thận… Với bệnh nhân được truyền dịch trong quá trình điều trị, cần kiểm soát phù phổi, theo GS Kính.
Ông Kính đặc biệt lưu ý, để ngăn lây nhiễm nCoV, trước hết phải bằng mọi cách ngăn giọt bắn từ người bệnh, vì chỉ khoảng cách 1 - 2 m đã có thể lây.
Có thể lây nhiễm vi rút trong vòng 15 phút trong môi trường nguy cơ, do đó có bệnh nhân chỉ quá cảnh 2 giờ tại sân bay Vũ Hán đã nhiễm bệnh này.
Ông Kính lưu ý, trong khu điều trị, để tránh nhiễm chéo, cần thiết lập các đơn vị hồi sức tích cực ngay tại khoa, khu vực điều trị bệnh truyền nhiễm chứ không chuyển bệnh nhân truyền nhiễm sang điều trị chung tại khoa điều trị tích cực vì nguy cơ nhiễm chéo rất cao sang bệnh nhân khác, như kinh nghiệm từ vụ dịch sởi trước đây.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, do đó khi ca bệnh nCoV nặng cần theo dõi dấu hiệu sinh tồn, điều trị triệu chứng hiệu quả, kiểm soát bội nhiễm. Người mắc đái tháo đường nhiễm nCoV cần theo dõi chỉ số đường huyết chặt chẽ, tránh nguy cơ tử vong do mất kiểm soát đường huyết.
Rửa tay là khuyến cáo đầu tiên. Ngoài ra, nên đeo khẩu trang nhưng chỉ cần dùng khẩu trang y tế khi khám bệnh; trong cộng đồng có thể dùng khẩu trang vải sạch hoặc bất cứ khẩu trang sạch nào; hoặc tránh bằng cơ học (che mũi miệng khi ho, hắt hơi…). Tránh tụ tập đông người.
Cần lưu ý đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng chống đỡ bệnh tật. Đảm bảo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cần có ánh nắng mặt trời vì tia cực tím trong ánh nắng tiêu diệt vi rút. Nếu không có nắng, có thể chiếu tia cực tím nhưng cần đúng kỹ thuật để đảm bảo diệt khuẩn hiệu quả, xử lý tốt không khí buồng bệnh, nơi cách ly.
GS Nguyễn Văn Kính
|
Bình luận (0)