Top 4 thủ phạm gây suy giảm thị lực, chớ coi thường!

Thiên Lan
Thiên Lan
09/05/2019 09:12 GMT+7

Suy giảm thị lực là sự thách thức và đành bất lực mà hàng triệu người trên toàn thế giới đang phải sống chung với nó.

Tuy nhiên, đã có một tia hy vọng cho những người bị cướp đi ánh sáng này.
Một nghiên cứu mới được công bố bởi tạp chí Hiệp hội Hóa học Mỹ đã tiết lộ rằng homoisoflavonoid được tìm thấy trong dòng họ cây dạ lan hương, có thể ngăn chặn bệnh võng mạc do sinh thiếu tháng, bệnh võng mạc do tiểu đường tăng sinh và thoái hóa điểm vàng do tuổi già, theo The Health Sites.
Theo ước tính năm 2018 của Tổ chức Y tế Thế giới, có đến hàng tỉ người mắc các bệnh liên quan đến thị lực trên toàn cầu.
Điều quan trọng trước hết là cần phải biết rõ những nguyên nhân gây ra căn bệnh đáng sợ này, để phòng tránh.

1. Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây khiếm thị phổ biến nhất trên thế giới, chiếm 51%.
Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể bị “kéo mây” che khuất. Tình trạng này có thể làm giảm thị lực một phần hoặc dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.
Đục thủy tinh thể được đặc trưng bởi nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, màu sắc mờ dần, nhìn 1 hóa 2.
Bệnh này thường phát triển khi tuổi cao hoặc do tổn thương mắt.
Có những yếu tố như phẫu thuật mắt trong quá khứ, sử dụng các loại thuốc steroid lâu dài, tiểu đường, hút thuốc, béo phì, có thể làm tăng nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể.
Rất may là tình trạng này có thể điều trị được thông qua phẫu thuật.
Ngoài ra, có thể ngăn ngừa đục thủy tinh thể bằng cách kiểm tra mắt thường xuyên, bỏ hút thuốc, đeo kính râm, giảm bia rượu và kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường. Ăn thực phẩm giàu vitamin A cũng giúp tăng cường thị lực.

2. Tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp được coi là nguyên nhân gây mù phổ biến thứ hai. Đây là một bệnh di truyền về mắt, trong đó các dây thần kinh thị giác bị tổn thương do sự dồn áp lực bên trong mắt. Áp lực xảy ra do sự tắc nghẽn của nhãn dịch chảy ra từ mắt.
Nguyên nhân tắc nghẽn có thể do nhiễm trùng mắt nghiêm trọng, tổn thương hóa chất và tình trạng viêm bên trong mắt.
Các triệu chứng bao gồm đỏ mắt, đau mắt, buồn nôn, mờ mắt hoặc không nhìn thấy gì.
Đáng tiếc là mất thị lực do tăng nhãn áp không thể điều trị nhưng các triệu chứng có thể kiểm soát được nếu được chẩn đoán sớm.
Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao tăng nhãn áp, hãy đến bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra định kỳ sau tuổi 40.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp bao gồm tuổi tác, bệnh tiểu đường, chấn thương mắt, sử dụng steroid hoặc tiền sử gia đình.
Phương pháp điều trị bao gồm thuốc nhỏ mắt, phẫu thuật laser hoặc vi phẫu. Cần chú ý là bệnh này không thể ngăn ngừa, theo The Health Sites.

3. Bệnh tiểu đường

Đây là bệnh võng mạc tiểu đường, dẫn đến mù lòa ở bệnh nhân tiểu đường, do lượng máu cung cấp cho võng mạc thấp xuống, khiến võng mạc yếu đi.
Nguồn cung cấp máu cạn kiệt vì lượng đường cao làm hỏng các mạch máu của mô ở phía sau võng mạc.
Do đó, mắt bắt đầu phát triển các mạch máu mới nhưng các mạch máu này không hoạt động đúng cách và dễ bị rò rỉ.
Rất may là homoisoflavonoid được tìm thấy trong dòng họ cây dạ lan hương, có thể ngăn chặn sự phát triển các mạch máu này, từ đó giảm thiểu các rối loạn ở võng mạc.
Bệnh võng mạc tiểu đường có thể phát triển ở bệnh nhân tiểu đường loại 1 hoặc loại 2.
Bệnh nhân bị bệnh võng mạc tiểu đường có thể gặp các triệu chứng như mờ mắt, nhìn thấy đốm, tầm nhìn dao động hoặc mất thị lực hoàn toàn. Ngoài bệnh tiểu đường, các yếu tố khác như cholesterol cao, đường huyết cao, tăng huyết áp và thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này.
Nhưng tin tốt là bạn có thể ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu, kiểm soát huyết áp và cholesterol và bỏ hút thuốc, theo The Health Sites.
Nếu được chẩn đoán sớm, có thể điều trị bằng phương pháp điều trị bằng laser như ngưng kết quang học laser và tán xạ, phẫu thuật cắt bỏ mô sẹo hoặc tiêm thuốc.

4. Bong võng mạc

Đây là một tình trạng trong đó một lớp mỏng của mô võng mạc bị kéo ra khỏi vị trí bình thường, gây ra sự phân tách các tế bào võng mạc khỏi các mạch máu nuôi dưỡng và cung cấp ô xy cho nó.
Tình trạng này được đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột của việc nhìn thấy lóe sáng, hình ảnh trôi nổi, nhìn mờ hoặc giảm thị lực ở bên.
Tuổi tác, tiền sử gia đình, cận thị, phẫu thuật mắt trong qua khứ hoặc chấn thương mắt có thể làm tăng nguy cơ phát triển bong võng mạc.
Nếu tình trạng này không được điều trị lâu dài, sẽ có nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.
Nếu bị bong võng mạc, các bác sĩ có thể thực hiện liệu pháp áp lạnh - làm lạnh để phá hủy các mô bất thường, hoặc dùng đến các thủ tục phẫu thuật đẩy võng mạc trở lại vị trí cũ, theo The Health Sites.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.