TP.HCM triển khai phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, Covid-19

Duy Tính
Duy Tính
14/07/2020 14:13 GMT+7

Sốt xuất huyết , tay chân miệng, bạch hầu, Covid-19 là 4 loại dịch bệnh mà TP.HCM đang triển khai phòng chống quyết liệt không để các dịch bệnh này liên tiếp xảy ra.

Ngày 14.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đưa ra cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đã bắt đầu gia tăng.Trong khi đó, dịch bệnh bạch hầu có nguy cơ xâm nhập vào TP.HCM.

Tăng 30 phường xã có ca sốt xuất huyết

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (HCDC), cho biết trong suốt 6 tháng đầu năm 2020, số ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng hằng tuần luôn thấp hơn khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên trong tuần đầu tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì 2 bệnh này đều tăng.
Trong đó, sốt xuất huyết tăng 59 ca, tay chân miệng tăng 50 ca so với tuần trước. Mặc dù so với tuần đầu của tháng 7.2019, số ca bệnh của năm nay vẫn thấp hơn năm ngoái nhưng với sự biến động so với các tuần trước đó thì dự đoán mùa cao điểm của sốt xuất huyết và tay chân miệng đã vào mùa cao điểm.
Các phân tích từ hệ thống giám sát dịch tễ cho thấy, trong tuần cuối tháng 6, có 114 phường xã có ca sốt xuất huyết, nhưng sang tuần đầu của tháng 7, con số này là 144, tăng thêm 30 phường xã.
So sánh với diễn tiến nhiều năm liền, sự gia tăng số lượng bệnh nhân trong tuần đầu tháng 7 hoàn toàn tương tự với những năm trước và có thể tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới và có thể đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 10, tháng 11.

Một điểm tụ nước nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết trên đường Lê Lai, P.12, Q.Tân Bình (TP.HCM) nhiều tuần qua chưa được xử lý.

Ảnh: Duy Tính

Tăng 25 phường xã có ca tay chân miệng

Tương tự, trong tuần cuối tháng 6, số phường xã có ca tay chân miệng là 72 thì sang tuần đầu của tháng 7 con số này là 97, tăng 25 phường xã.
Theo bác sĩ Nga, đánh giá diễn tiến hàng năm, bệnh tay chân miệng tăng nhẹ vào khoảng tháng 4 và tăng mạnh hơn trong tháng 8, tháng 9. Năm 2020, do đại dịch Covid-19, TP.HCM đã triển khai các biện pháp hạn chế thậm chí ngăn chặn quyết liệt được đẩy mạnh, với thông điệp rửa tay cùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc đối với nhóm bệnh lây truyền trực tiếp như Covid-19, tay chân miệng, sởi, cúm… đã góp phần làm giảm bệnh tay chân miệng trong tháng 3 năm nay.
Nhưng khi bước sang trạng thái bình thường mới, các trường học cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí mở cửa trở lại, nguy cơ gia tăng bệnh tay chân miệng là điều được dự báo trong những tuần sắp tới.

Nguy cơ bệnh bạch hầu và Covid-19 xâm nhập

Bên cạnh đó, hiện TP có nguy cơ xuất hiện bệnh bạch hầu từ nơi khác mới đến và bao trùm hơn cả là nguy cơ xâm nhập Covid-19.
Từ thực trạng trên, bác sĩ Nga cũng cho biết HCDC đã xây dựng nhiều giải pháp để phòng chống 4 loại dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, Covid-19, không để các loại dịch bệnh liên tiếp xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.