Uống thuốc ngừa thai cũng nằm trong nhóm nguy cơ thuyên tắc phổi

06/06/2020 04:01 GMT+7

Thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong ba nguyên nhân tử vong tim mạch lớn. Có nhiều yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi, trong đó có uống thuốc ngừa thai.

Thuyên tắc phổi sau 10 năm uống thuốc ngừa thai

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Khoa Tim mạch Tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM): Bà M.T.N. (46 tuổi, ngụ TP.HCM) từ 7 ngày trước khi nhập viện bị khó thở và tình trạng khó thở càng tăng khi gắng sức (như khi đi cầu thang một lầu), giảm khi nghỉ; kèm đau ngực trái âm ỉ khi xoay trở và khi ho.
Người bệnh nhập viện bệnh viện tuyến quận và được chẩn đoán: theo dõi thuyên tắc phổi, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, cường kinh, viêm phế quản cấp. Bệnh nhân được điều trị thuốc, truyền máu, lợi tiểu,… nhưng tình trạng khó thở không cải thiện nên được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân 115.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân cho bác sĩ biết là mình có uống thuốc ngừa thai hằng ngày liên tục trong 10 năm nay. Hai năm nay, người bệnh bị cường kinh, chu kì kinh kéo dài 8-10 ngày, lượng máu kinh ra nhiều hơn trước nhưng không đi khám và điều trị. Gia đình bệnh nhân không có ai mắc bệnh tim mạch sớm.
Qua thăm khám và các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch đùi nông và khoeo bên trái, thiếu máu mạn tính mức độ nặng đã truyền máu do u xơ tử cung gây cường kinh.
Bệnh nhân cũng được làm các xét nghiệm để tìm các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch, sau khi loại trừ bệnh lý ác tính cũng như bệnh lý tự miễn, bác sĩ nhận định thuyên tắc phổi ở bà N. có liên quan thuốc ngừa thai.
Bệnh nhân được điều trị, sức khỏe ổn định và được xuất viện.

Nhóm nguy cơ cần chú ý thuyên tắc phổi

Bác sĩ Nhàn cho biết, thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu (gọi chung là bệnh lý thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch) là một trong ba nguyên nhân tử vong tim mạch lớn. Một nghiên cứu ở Canada cho thấy tỉ lệ tử vong trong vòng 30 ngày và 1 năm do thuyên tắc phổi lần lượt là 4% và 13%, đồng thời nguy cơ này tăng theo tuổi.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi. Trong đó nhóm nguy cơ cao là các trường hợp: gãy xương (hông hoặc chân), thay khớp háng hay khớp gối, phẫu thuật tổng quát lớn, chấn thương tủy sống, nhập viện vì suy tim hoặc rung nhĩ (trong vòng 3 tháng qua), nhồi máu cơ tim (trong vòng 3 tháng qua).
Nhóm nguy cơ trung bình là những người phẫu thuật nội soi khớp gối, đường truyền tĩnh mạch trung tâm, truyền máu, hóa trị, suy hô hấp hay suy tim mạn tính, hậu sản; các trường hợp điều trị hoóc môn thay thế, bệnh ác tính, bệnh tự miễn, đột quỵ, từng bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, bệnh ưa huyết khối. Trong đó, việc dùng thuốc tránh thai đường uống cũng nằm trong nhóm nguy cơ này.
Nhóm nguy cơ thấp là trường hợp nằm tại giường hơn 3 ngày, ngồi bất động thời gian dài như lái xe, lái máy bay đường dài, phẫu thuật nội soi, tuổi cao, béo phì, tiền sản giật, dãn tĩnh mạch chi dưới.
“Như trường hợp bà N., không có tiền sử bệnh tim mạch tuy nhiên người bệnh có sử dụng thuốc ngừa thai đường uống trong 10 năm nên thuộc nguy cơ trung bình của thuyên tắc phổi”, bác sĩ Nhàn đánh giá.
Bác sĩ Nhàn lưu ý, thuyên tắc phổi là một bệnh lý nội khoa nặng. Bệnh khởi phát thường không đoán trước được và tỉ lệ tái phát sau khi điều trị cao. Vì vậy, bệnh nhân ngoài việc được chẩn đoán xác định bệnh đúng và điều trị sớm để giảm tỉ lệ tử vong thì còn cần được tìm yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối. Có những yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được để ngăn ngừa tái phát như dùng thuốc ngừa thai, béo phì…
“Do đó, phụ nữ có uống thuốc ngừa thai nếu bị khó thở thì cần chú ý đến bệnh lý thuyên tắc phổi. Ngoài ra, người bệnh đã được chẩn đoán xác định bệnh thuyên tắc huyết khối nên được tư vấn chuyển sang biện pháp ngừa thai khác để giảm tái phát bệnh”, bác sĩ Nhàn khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.