Vi khuẩn HP có gây ung thư dạ dày?

02/08/2016 17:01 GMT+7

Khá nhiều người đi khám bệnh dạ dày, lúc cầm kết quả xét nghiệm thấy ghi chú 'dương tính với HP' lập tức trở nên hoang mang. Vậy thực tế nhiễm vi khuẩn HP có nguy hiểm không?

HP thích “làm bạn” với… stress
Theo PGS TS BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhiễm HP là một trong các nhiễm khuẩn thường gặp ở người. Ước tính tại Việt Nam có khoảng hơn 70% người trưởng thành bị nhiễm HP. Đây được xem là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày. Cụ thể là 90% số người bị viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Tương tự, tỷ lệ này chiếm từ 75-85% trong bệnh loét dạ dày-tá tràng; còn trong biến chứng thủng do loét dạ dày tá tràng thì sự hiện diện của HP chiếm từ 80-95% trường hợp. Chính vì vậy, việc điều trị diệt HP khi bị viêm, loét dạ dày tá tràng là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, và nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày.
Ở điều kiện bình thường, vi khuẩn HP không gây tác động nhiều nhưng trong điều kiện stress, cơ thể có nhiều thay đổi, chế độ ăn uống không phù hợp, khuẩn HP sẽ hoạt động mạnh, tiết ra các chất làm vùng niêm mạc dạ dày bị xung huyết, khó liền và tổn thương.
Nguy hiểm khi HP kháng thuốc
Mới đây, chị Trần Thị C., 25 tuổi, ở Tiền Giang đến Phòng khám Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược khi thấy có các triệu chứng như đau bụng, đau lan ra sau lưng, cảm giác nóng rát sau xương ức, buồn nôn. Chị C. được chẩn đoán viêm dạ dày, HP dương tính, điều trị HP theo phác đồ lần 1. Sau 1 tuần, chị C. tái khám. Tuy nhiên, những triệu chứng vẫn như cũ, không thuyên giảm. Chị C. được cho chỉ định nội soi dạ dày, PY Test, xét nghiệm HP huyết thanh (CIM và IgG). Kết quả cho thấy chị C. vẫn viêm dạ dày, HP dương tính. Mẫu thử HP được làm kháng sinh đồ và phát hiện là kháng thuốc. Theo khai thác bệnh sử, bác sĩ dự đoán nguyên nhân có thể do việc chị C. quá lạm dụng sử dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh thông thường như viêm họng, cảm cúm,…hoặc có thể do chính con vi khuẩn HP kháng thuốc ở người bệnh khi điều trị lần đầu tiên.
Từ trường hợp của chị C., bác sĩ Hoàng cho biết hiện nay việc điều trị diệt HP trong bệnh viêm, loét dạ dày-tá tràng đang đối mặt với nhiều thách thức mà nguy cơ thất bại rất cao do nhiều nguyên nhân, như: người bệnh không tuân thủ đúng liều lượng, thời gian và cách uống thuốc do sợ tác dụng phụ của kháng sinh, hoặc sợ phải uống số lượng thuốc quá nhiều; Vi khuẩn HP đề kháng với các kháng sinh đang sử dụng do việc lạm dụng và sử dụng tùy tiện kháng sinh; Axít trong dạ dày quá nhiều làm cho kháng sinh bị phá hủy hoặc mất tác dụng hoặc do chuyển hóa ở gan làm cho các thuốc ức chế tiết axít bị giảm tác dụng.
Ung thư nếu không diệt HP
Theo BS Hoàng, phương pháp để chẩn đoán việc kháng thuốc của vi khuẩn HP là nội soi dạ dày, lấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ để kiểm tra vi khuẩn phù hợp với loại thuốc nào để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Nếu bị nhiễm HP mà không chữa trị hoặc chữa không triệt để có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào nhiễm vi khuẩn HP đều sẽ bị ung thư. Điều này còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người, độc tính của vi khuẩn và chế độ ăn uống.
Chế độ ăn như ăn mặn, thực phẩm lên men, muối chua, thịt hun khói làm cho thực phẩm bị biến chất khi gặp vi khuẩn HP thì dễ phát sinh ung thư hơn. Chính vì vậy, những người bị nhiễm HP cần tránh đồ chua cay, tránh ăn mặn, nên dùng củ nghệ vì có tính chất bảo vệ chống ung thư, làm lành những tổn thương trong viêm loét bao tử. Người bệnh cũng cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng liều, đúng lượng, đúng giờ. Khi có tác dụng phụ, cần báo ngay với bác sĩ để có hướng điều chỉnh kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.