Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối/ngày (tương đương một thìa cà phê). Theo Bộ Y tế, khoảng 90% người Việt ăn thừa muối.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành quyết định 2033 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018-2025.
Đối tượng trọng tâm truyền thông là người dân trong cộng đồng; cha mẹ học sinh; cán bộ, giáo viên, học sinh, nhân viên y tế, nhân viên bếp ăn trong trường học; người có nguy cơ cao mắc bệnh và người mắc bệnh ung thư, tim mạch, tăng huyết áp.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7 gam/người/ngày. Trên 90% học sinh phổ thông, người trưởng thành có hiểu biết về tác hại của việc ăn nhiều muối và nhận biết được các loại thực phẩm chứa nhiều muối, thực hiện các biện pháp giảm ăn muối; trên 60-70% người thực hiện ít nhất một biện pháp để giảm ăn muối theo khuyến cáo. 100% trường nội trú và trường có tổ chức bữa ăn bán trú thực hiện chế độ ăn giảm muối cho học sinh. Trên 90% số người được phát hiện mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh liên quan khác được tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế kêu gọi nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống để thực hiện can thiệp giảm muối trong khẩu phần ăn của người dân.
Về phần mình, Bộ Y tế sẽ có nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về dán nhãn thực phẩm như: công bố hàm lượng muối trong sản phẩm, cảnh báo thực phẩm nhiều muối, cảnh báo tác hại sức khỏe của ăn nhiều muối và khuyến nghị về lượng muối tối đa tiêu thụ cho một người/ngày; bổ sung các quy định để kiểm soát, hạn chế quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thực phẩm chứa nhiều muối, đặc biệt là đối với trẻ em và các nhóm đối tượng nguy cơ cao…
Bình luận (0)