Vì sao không công bố danh tính, hình ảnh người nhiễm bệnh?

Liên Châu
Liên Châu
03/02/2020 04:59 GMT+7

Trước nguy cơ dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng, nhiều người dân cho rằng cần thông tin cụ thể hình ảnh, danh tính, lịch trình di chuyển của người bị nhiễm bệnh để người dân biết và chủ động phòng tránh, khai báo trong trường hợp có tiếp xúc với người bệnh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Bộ Y tế cho biết quy định hiện hành không được công bố cụ thể danh tính. Đây là nguyên tắc về đảm bảo quyền riêng tư cá nhân. Để chống dịch lây lan, an toàn cho cộng đồng, với trường hợp giám sát liên quan ca bệnh, hệ thống dịch tễ đã điều tra, thông báo số hiệu chuyến bay/chuyến xe/lịch trình/việc di chuyển của người nhiễm; có thông báo y tế cụ thể đến cộng đồng, địa bàn nơi có người tiếp xúc với ca bệnh.

Tâm sự của những bác sĩ trong tâm dịch virus corona ở Việt Nam

Khoản 5, điều 8 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Khoản 3 điều 33, quy định thầy thuốc, nhân viên y tế giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.
Riêng việc công bố địa chỉ khách sạn/ nơi ở của người nhiễm bệnh, theo một cán bộ dịch tễ ở Hà Nội, phải thận trọng vì tùy tình huống cụ thể khách sạn đó có nguy cơ như thế nào, cần phải có ý kiến của cơ quan y tế.

Những trường hợp nào phải cách ly?

Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là khi công bố dịch thì những trường hợp nào sẽ bị cách ly để phòng chống dịch bệnh lây lan? PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết theo Nghị định 101/2010 của Chính phủ, quy định thi hành một số điều khoản của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, thì những người cần cách ly là người đi từ vùng có dịch về; người tiếp xúc với ca bệnh có biểu hiện lâm sàng (sổ mũi, sốt, ho...) cần cách ly tại cơ sở y tế, trong 14 ngày. Trường hợp hết thời hạn áp dụng biện pháp cách ly y tế mà đối tượng bị áp dụng biện pháp cách ly y tế chưa khỏi bệnh thì phải gia hạn thời gian cách ly.
Với người đi từ vùng dịch về, người tiếp xúc ca bệnh nCoV nhưng sức khỏe bình thường thì tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà (tại nơi cư trú) trong 14 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh sẽ chuyển đến cách ly tại cơ sở y tế. Ngoài ra, sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế trong trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế của người có thẩm quyền.

Bệnh nhân Trung Quốc nhiễm virus corona sắp được xuất viện

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện là cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết thêm: “Với người cách ly tại nhà sẽ được hướng dẫn đeo khẩu trang, không đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác để phòng tình huống có nhiễm vi rút, có thể lây lan. Các hình thức cách ly y tế, tại nhà hay tập trung, được thực hiện theo từng thời điểm, diễn biến dịch và phù hợp tại mỗi địa phương, luôn đảm bảo các điều kiện phòng lây nhiễm”.
Theo ông Phu, trong thực tế, với người cần phải cách ly nhưng không tuân thủ, trước cưỡng chế cách ly sẽ áp dụng hình thức vận động, phân tích giúp họ hiểu sự cần thiết của cách ly để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Trường hợp phải cưỡng chế sẽ phải có cơ quan công an hỗ trợ phía y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.