Viêm tai ngoài, có phải do đi bơi?

08/04/2017 10:01 GMT+7

Thời tiết miền Nam đã bước sang giai đoạn nắng nóng, oi bức. Đây cũng là thời điểm gia tăng nhiều dịch bệnh.

100 ca/ngày
Theo GS-TS-BS Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), những ngày này số lượng người bệnh đến khám và nhập viện gia tăng đột biến. Trong đó, riêng tại phòng khám tai mũi họng, lượng người đến khám bệnh viêm tai ngoài do đi bơi trung bình hơn 100 người/ngày. Một con số khiến nhiều người không khỏi lo ngại.
BS Kiên Hữu giải thích, viêm ống tai ngoài hay còn gọi viêm tai ở người hay đi bơi, là tình trạng viêm, phản ứng kích thích hay tình trạng nhiễm trùng ở ống tai ngoài. Ống tai ngoài là phần nằm ở phía ngoài của tai, giữa vành tai và màng nhĩ. Khi trong ống tai ngoài ứ đọng nước, vi khuẩn và vi nấm có điều kiện thuận lợi để phát triển gây nên bệnh viêm tai ngoài (viêm ống tai ngoài). Viêm ống tai ngoài gây nên triệu chứng ngứa, đau tai, thường xảy ra ở người để nước ứ đọng trong tai hoặc người hay đi bơi.
Điển hình là trường hợp của chị Nguyễn Thị D., 30 tuổi, ngụ TP.HCM. Chị D. cho biết thời gian gần đây, do thời tiết quá nóng nên chị thường xuyên ghé hồ bơi gần nhà để thư giãn (khoảng 3 lần/tuần). Thời gian đầu, chị D. thấy ngứa tai rất khó chịu, nhưng không đi khám mà tự dùng tăm bông để vệ sinh. Được hơn 1 tuần, tình trạng không thuyên giảm mà còn nặng hơn nên chị D. quyết định đi khám. BS nhận định do chị D. sử dụng tăm bông ngoáy tai làm lớp da ngoài tổn thương sâu nên gây đau, tiết dịch. Ban đầu chỉ là thanh dịch, sau đó dịch đặc lại làm tình trạng viêm tai kéo dài. Nếu chị D. không đi khám mà vẫn vẫn tiếp tục ngoáy nữa thì sẽ bị nhầy mủ và bội nhiễm nhiều hơn.

Triệu chứng của viêm tai ngoài
BS Kiên Hữu cho biết có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tai. Bên cạnh việc tích tụ nước trong tai, những nguyên nhân khác gây viêm tai ngoài bao gồm: môi trường nóng, ẩm; có thói quen làm sạch, lau chùi, móc ráy tai trong ống tai bằng các dụng cụ cứng; có các sang thương ống tai ngoài; da ống tai bị khô; vật lạ trong ống tai ngoài; ráy tai nhiều; bệnh chàm hoặc một số bệnh lý ngoài da.
Những triệu chứng thường gặp của viêm ống tai ngoài là: đỏ da ống tai ngoài; ngứa trong tai; đau tai, đặc biệt khi đụng vùng dái tai, đau có thể lan đến vùng cổ, mặt, hoặc vùng đầu; chảy dịch tai (cảm giác có nước trong tai); phù nề tuyến vùng cổ hoặc phù nề quanh tai; sung nề vùng ống tai ngoài; nghe kém; cảm giác đầy - nặng trong tai hay sốt. Những triệu chứng viêm ống tai nói trên cũng có thể có trong một số bệnh khác, do vậy, người bệnh cần đến khám tại các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để xác định chẩn đoán.

tin liên quan

10 siêu thực phẩm giúp thanh lọc cơ thể
Thanh lọc là một quá trình tự nhiên và liên tục xảy ra 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ nhiều loại chất độc và căng thẳng hằng ngày, cơ thể có thể không thanh lọc hết. 

Phòng viêm tai ngoài
Một số cách phòng ngừa bệnh viêm ống tai, theo khuyến cáo của BS Kiên Hữu mà mọi người nên thực hiện là sử dụng dụng cụ nút tai khi đi bơi hoặc tắm; sau bơi cần nghiêng đầu sang từng bên để nước chảy ra; có thể làm khô ống tai ngoài bằng cách sử dụng luồng hơi nóng từ máy sấy tóc ở cường độ thấp hoặc sấy lạnh (cần giữ khoảng cách giữa máy sấy tóc và đầu trong khoảng 30 cm, máy sấy tóc được đặt từ phía sau thổi luồng hơi ra phía trước và thường xuyên di chuyển, không nên giữ yên một chỗ).
Để tránh tái phát, người bệnh cần lưu ý không nên dùng tăm bông ráy tai để làm sạch ống tai. Việc sử dụng bông ráy tai không đúng cách có thể đẩy chất dơ từ phía ngoài vào ráy tai vào bên trong ống tai tạo điều kiện cho bệnh viêm tai ngoài phát sinh và phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.