Hôm nay (25.10), Giáo sư Trương Đình Kiệt, Viện trưởng Viện Di truyền Y học (TP.HCM) cho biết Viện Di truyền Y học đang hợp tác cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thực hiện nghiên cứu bước đầu về bộ gien người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nghĩa (chuyên ngành di truyền phân tử, Viện Di truyền Y học), chủ nhiệm đề tài này, cho biết: Mục tiêu của nghiên cứu là đi tìm câu trả lời cho rất nhiều những thắc mắc về Covid-19 như: vì sao cùng nhiễm SARS-CoV-2 mà người này bị nhẹ, người khác lại bị rất nặng; cùng tiếp xúc với nguồn bệnh ở mức độ như nhau nhưng có người bị lây nhiễm, người khác lại không; có người bệnh có triệu chứng nhưng nhiều trường hợp không triệu chứng…
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ lấy mẫu và thực hiện tách chiết ADN giải mã trọn bộ gien của 20 người từng bị nhiễm Covid-19 ở TP.HCM, với những bệnh cảnh khác nhau. Sau đó phân tích, đối chiếu với bệnh sử,… so sánh di truyền giữa nhóm bệnh nặng và nhẹ, người nhiễm có triệu chứng và không triệu chứng,… Từ đó, tìm những đặc điểm di truyền cá nhân, các gien của người Việt có ảnh hưởng đến mức độ mẫn cảm của cơ thể với SAR-CoV-2.
“Việc tìm ra những gien của người Việt mẫn cảm với SARS-CoV-2 sẽ là những gợi ý quan trọng trong việc phát triển vắc xin hay thuốc điều trị Covid-19 phù hợp, tiên lượng tình trạng nặng hay nhẹ đối với bệnh nhân. Việc nghiên cứu ngày càng mở rộng, nguồn dữ liệu càng càng dồi dào sẽ giúp xác định được những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng và phát triển chiến lược điều trị hiệu quả, chính xác, giảm gánh nặng y tế”, tiến sĩ Nghĩa nhận định.
Theo giáo sư Kiệt đánh giá, đây là một xu hướng hiện nay, khi các nhà nghiên cứu khắp thế giới và Việt Nam đang đặt câu hỏi liệu mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19 liệu có liên quan tới bộ gien của người bệnh không?
Xu hướng nghiên cứu này chỉ mới xuất hiện vài tháng nhưng thu hút đến 300 nhóm nghiên cứu.
Sau khi có kết quả nghiên cứu ban đầu, nghiên cứu sẽ mở rộng quy mô với nhiều bệnh nhân Covid-19 hơn.
Bình luận (0)