Sững sờ với giá chiếc mũ quan và áo Nhật bình triều Nguyễn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/11/2022 07:21 GMT+7

Chiếc mũ quan có giá cao ngất và áo Nhật bình triều Nguyễn đã được đấu giá thành công rồi mang trở về cố hương.

Phiên đấu giá rực rỡ của nhà Balclis

Ngày 28.10.2021, phiên đấu giá cổ vật trực tiếp và online được nhà đấu giá Balclis (Tây Ban Nha) tổ chức. Trong đó, có một cổ vật VN thu hút nhiều sự chú ý là chiếc mũ quan triều Nguyễn. Trên website của Balclis, thông tin về chiếc mũ như sau: “Mũ quan VN thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”. Hiện vật này đi kèm hộp gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ hoa văn có chút hư hỏng nhẹ. Giá khởi điểm của chiếc mũ là 500 euro, mức giá này được đưa ra vào ngày 20.10.

Chiếc áo Nhật bình được trưng bày tại Huế

Bùi Ngọc Long

Phiên đấu ngày 28.10.2021 đã chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của chiếc mũ. Sau 10 lần trả giá, chiếc mũ được bán với giá 600.000 euro. Mức giá này bỏ xa giá khởi điểm, cũng bỏ xa giá các đồ cổ khác cùng phiên đấu. Danh tính nhà sưu tập online thắng đấu giá khi đó được giấu kín. Cũng trong phiên đấu giá này, một bộ lễ phục triều Nguyễn được bán với giá 35.000 euro, thấp hơn giá chiếc mũ nhiều dù giá khởi điểm cao hơn.

Giá bán của chiếc mũ ngay lập tức “chia đôi thế giới”. Có người cho rằng giá bán cao bất ngờ vì hiện vật tương tự như vậy chỉ có thể bán khoảng 10.000 USD nếu giao dịch trong nước. Tuy nhiên, cũng có người lại cho rằng đây là giá hợp lý, không có gì đáng ngạc nhiên. Những người theo quan điểm này cho rằng hiện vật mũ quan triều Nguyễn ngay trong nước cũng chỉ còn khoảng 5 - 7 chiếc, rất hiếm có giao dịch. Chưa kể mũ dành cho quan hàng nhất phẩm trở lên cũng hiếm, cộng với uy tín nhà đấu giá cao thì giá giao dịch như vậy hoàn toàn không có gì ngạc nhiên cả.

Cũng tại Tây Ban Nha, một cổ vật khác của nhà Nguyễn đã được đấu giá thành công. Đó là chiếc áo Nhật bình. Áo được đấu giá thành công ở mức giá 160.000 euro chưa tính thuế phí. Chủ nhân của chiếc áo cũng như chiếc mũ quan sau đó đã mang cả hai hiện vật quý này tặng lại cho cố đô Huế, cụ thể là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Chiếc mũ quan triều Nguyễn

Balclis

Bảo trợ văn hóa

Ngày 31.3.2022, ông Đỗ Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine, có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị hiến tặng cổ vật nhằm mục đích trưng bày. Trong văn bản, công ty cho biết trong tháng 10.2021, công ty này đã đấu giá thành công 2 cổ vật triều Nguyễn gồm mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật bình. Ngày 17.4.2022, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tổ chức lễ tiếp nhận, đồng thời mở cửa trưng bày cổ vật hiến tặng là mũ quan đại thần và áo Nhật bình cung tần có từ thời Nguyễn sau phiên đấu giá thành công ở Tây Ban Nha. Trong những ngày đầu trưng bày 2 hiện vật, bảo tàng miễn phí cho khách tham quan.

Khi chiếc mũ quan và áo Nhật bình lộ diện, công chúng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mẫu mực theo điển chế của triều đại quân chủ cuối cùng tại VN. Nhưng không chỉ có vậy, họ còn được nghe những trao đổi của các nhà nghiên cứu, những người gắn bó với cổ vật. Từ đó, các thông tin được công khai phần nào chứ không lặng lẽ như các cuộc mua bán dạng hiện vật này trong nước.

Nhà nghiên cứu tự do Vũ Kim Lộc đã khảo cứu về chiếc mũ này từ những hình ảnh được nhà đấu giá đưa lên mạng. Theo ông, chiếc mũ đại triều này có số lượng trang sức thừa 2 hoa, 2 giao long nếu so với quy định. Khảo các mũ khác thời Nguyễn như mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu…, ông Lộc cũng thấy có hiện tượng dư thừa như vậy. Theo chuyên gia này, việc dư trang sức trên mũ so với phẩm hàm không phải là hiếm mà là phổ biến do được đặc ân. Tuy nhiên, việc dư 2 giao long này ông cũng lần đầu được biết đến. Một tư liệu ảnh mà ông Lộc khảo sát giúp ông đưa ra quan điểm chiếc mũ này có lẽ cuối thời vua Bảo Đại. Trong tư liệu ảnh này, có một vị quan triều Nguyễn với mũ có 2 giao long chầu hoa rất giống mũ từ Tây Ban Nha trở về.

Trong khi đó, chiếc áo Nhật bình cũng được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao. Áo được thêu họa tiết bằng chỉ ngũ sắc với 2 con chim loan quay về chữ thọ. Chân áo có thủy ba tam sơn và cá chép. Cổ áo thêu 5 con phượng. Chiếc áo có phần dây kim tuyến chạy quanh cổ, kỹ thuật này cho đến nay chưa nghệ nhân nào làm lại được. Chính vì thế, chiếc áo mau chóng được nhận định là hiện vật gốc.

Cuộc trở về của 2 hiện vật cho thấy mong muốn cũng như khả năng của những doanh nghiệp trong nước sẵn sàng bảo trợ văn hóa. Nó cũng gợi lại cuộc đấu giá đầu tiên mà Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tham gia - cuộc đấu giá năm 2010 mà họ đã không thể thắng để mang về nước bức Chiều tà của vua Hàm Nghi - tác phẩm được coi là tiêu biểu cho cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi, vẽ theo cách phương Tây. Nhiều người ao ước, giá như thời điểm đó có một nhà bảo trợ văn hóa bỏ tiền ra để đưa tranh về như với chiếc mũ này.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.