Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân Phùng Văn Th. (nam, 59 tuổi, ở TP. Việt Trì) nhập viện trong tình trạng cả vùng gối trái sưng, nóng, đỏ, đau với các nốt phỏng nước sưng phồng, lở loét.
Trao đổi với các bác sĩ, ông Th. cho biết đã bị sưng ở gối trái từ nhiều tháng qua. Mới đây, ông đi khám tại Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), được chẩn đoán u khoeo chân trái. Tuy nhiên, ông Th. không điều trị theo chỉ định điều trị của bác sĩ, mà nghe theo lời mách bảo của người quen, về nhà hái lá đắp để làm xẹp u.
''Sau khi đắp lá, tôi thấy nóng rát, đau tức, nổi mụn nước to quanh vùng đắp lá. Đến ngày thứ 5 thì thấy vùng đắp lá rất đau, nổi các nốt loét, nên tôi lại đến bệnh viện'', ông Th., kể.
Tại Khoa Chấn thương 1 (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), người bệnh được điều trị các vết bỏng quanh khớp gối, viêm mô tế bào, thoát vị dịch bao khớp gối. Sau 10 ngày điều trị, chân của ông Th. đã ổn định, hiện có thể đi lại được.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Bảy, Trưởng khoa Chấn thương 1, cho biết: ''Ông Th. bị thoát vị dịch bao khớp gối trái. Đây là bệnh lành tính, dễ tái phát, có thể được phẫu thuật điều trị, cắt hoàn toàn, khâu bao khớp, nhưng hoàn toàn không thể điều trị bằng đắp lá hoặc đắp thuốc''.
Từ vụ việc này, bác sĩ Bảy khuyến cáo người dân khi phát hiện có khối u cần đến bệnh viện để được bác sĩ khám, tư vấn biện pháp điều trị, không nên tự ý đắp lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị, bệnh không những không đỡ, còn để lại những hậu quả nặng nề, dẫn đến việc điều trị khó khăn hơn.
Các bác sĩ cho hay đã gặp các trường hợp bị nhiễm trùng sau khi tự ý đắt lá điều trị khối u. Việc tự điều trị theo kinh nghiệm truyền miệng có thể gây bội nhiễm, hoại tử, thậm chí nhiễm trùng huyết, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu điều trị theo thuốc y học cổ truyền, cần đến các cơ sở được cấp phép hoạt động.
Bình luận (0)