Sương mù tại TP.HCM do ô nhiễm

23/09/2019 06:10 GMT+7

Khói mù từ các vụ cháy rừng xảy ra liên tiếp tại Indonesia hòa cùng lượng phát thải lớn đang gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP.HCM.

Sương mù bao phủ cả ngày

12 giờ trưa 22.9, thời điểm mặt trời lên cao nhất nhưng lớp mù dày đặc vẫn bao phủ nhiều nơi tại TP.HCM. Ở khu vực trung tâm, các tòa nhà cao tầng gần như bị mù che phủ. Nhiều tòa nhà thậm chí gần như “tàng hình” dù chỉ đứng cách 200 m. Tình trạng này đã xảy ra liên tục trong vài ngày qua, bắt đầu từ 18.9. Nhiều người đã chứng kiến không khí đặc sệt màu trắng đục, đặc biệt vào sáng sớm và chiều muộn trong ngày. Cùng với sương mù, thời tiết se lạnh hơn và thường đổ mưa về chiều khiến không ít người lầm tưởng Sài Gòn đang sang thu như Hà Nội. Nhưng “thu” này không hề dễ chịu, bên cạnh việc di chuyển của người dân khó khăn vì tầm nhìn bị hạn chế, không khí trở nên nặng nề khiến người dân ra đường cảm thấy cay mắt và khó thở.

Hiện tượng sương mù ở TP.HCM có thể gây bệnh đường hô hấp - Thực hiện: Truyền hình Báo Thanh Niên

Cầm khư khư trên tay gói khăn giấy, chị Trần Linh (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết mấy ngày nay chị liên tục bị hắt hơi, sổ mũi, rất khó chịu.
Con trai 13 tuổi cũng đang có dấu hiệu đau rát họng. “Tôi ở chung cư tầng 13, hằng ngày sáng dậy đều đứng tập thể dục ngay ban công nên thấy rất rõ lớp sương mù dày đặc, cảm tưởng không khí đặc quánh, khó thở...”, chị Linh nói.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, những ngày qua TP.HCM chìm trong một lớp mù là do Nam bộ đang chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nằm trên khu vực nam Trung bộ. Dải hội tụ này gây mưa diện rộng, mưa bất kể thời điểm nào trong ngày. Mưa rải rác làm trong không khí luôn có nhiều hơi nước tạo thành lớp mù giảm tầm nhìn. “Bình thường nhiệt độ sáng ở TP.HCM là khoảng 29 độ, nhưng những ngày này nhiệt độ sáng chỉ nằm ở mức 25 độ, mưa đêm, làm hơi nước ngưng tụ nhanh làm xuất hiện lớp mù, nhìn giống như mây ở tầng thấp. Sở dĩ không gọi là sương mù vì tầm nhìn xa vẫn trên 1 km”, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ lý giải.
Tuy nhiên, lý giải này không làm người dân yên tâm vì loại sương mù bức xạ, thường xuất hiện khi không khí tương đối ẩm, nhiệt độ thấp, trời quang mây, thời gian xuất hiện thường xảy ra nửa đêm về sáng và thường tan nhanh khi mặt trời xuất hiện. Trong khi đó loại sương mù đang bao phủ TP mấy ngày qua thường kéo dài đến tận trưa và dù nhiệt độ tăng cao vẫn không tan.

Bụi mịn đạt mức nguy hại

Trùng thời điểm xuất hiện mù dày đặc, Tổ chức quốc tế giám sát chất lượng không khí AirVisual đã đưa ra cảnh báo mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP.HCM. Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 20.9 tại TP.HCM đo được cao nhất là 175 (khu Thảo Điền, Q.2). Chỉ số AQI tại trung tâm Q.1 là 174 và khu vực Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) đạt mốc 166. Ô nhiễm không khí với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 ở mức 102.7 µg/m³. Theo bản đồ trực quan, chỉ số chất lượng không khí tại TP.HCM đang duy trì ở mức màu đỏ, đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe con người. Cũng theo dự báo của AirVisual, tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM sẽ tiếp tục kéo dài ở mức đỏ, ít nhất cho tới hôm nay (23.9).
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường - Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, khẳng định ô nhiễm không khí tại TP.HCM nói riêng cũng như toàn khu vực phía nam nói chung từ ngày 18.9 đến nay ở mức rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Qua kết quả đo đạc, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do cháy rừng từ Indonesia khiến chất ô nhiễm bị gió thổi sang, nồng độ ô nhiễm tại TP.HCM tăng cao đột biến vào ngày thứ sáu (20.9). Thứ hai, độ ẩm trong không khí cao (hiện nay mưa nhẹ nên độ ẩm lên tới 95 - 100%) và trong không gian có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù. Bên cạnh đó, phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Theo ông Bằng, đợt gió phía bắc thổi về mang theo lượng khói, cát bụi từ các khu rừng cháy bên Indonesia đổ bộ hoàn toàn vào khu vực phía nam VN, ngưng kết cùng hơi nước ở tầng thấp tạo ra lớp mù ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, dù đúng vào thời điểm cuối tuần, lượng phương tiện di chuyển trong nội đô thấp nhưng chất lượng không khí lại ô nhiễm cực nặng. Hiện lượng bụi mịn đo được trong không khí tại TP đã đạt mức 2.5 - mức nguy hại đối với sức khỏe con người.
TS Hồ Quốc Bằng nhận định: “Nồng độ chất ô nhiễm không khí trong nhà và bên ngoài hiện nay tại TP.HCM rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hiện tượng này có thể còn kéo dài trong một vài ngày tới. Vì vậy, người dân TP cần tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách không nên tập trung, thể dục ngoài trời. Nếu cần ra đường thì phải đeo khẩu trang chuyên dụng chống ô nhiễm không khí như N95. Những gia đình có điều kiện nên đi xe hơi hoặc trang bị máy lọc khí trong nhà”.

Nhiều nước Đông Nam Á chìm trong bụi mù

Không chỉ riêng TP.HCM, khói mù từ các đám cháy rừng đang lên đến đỉnh điểm ở Indonesia được cho rằng đã lan sang nhiều nước láng giềng.
Theo CNN, chính phủ Malaysia đã phân phát hơn 500.000 mặt nạ cho học sinh ở tỉnh Sarawak, khi chất lượng không khí hôm 19.9 ở vùng này lên tới mức 273 microgram phân tử bụi mịn/m3 không khí. Mức này được coi là "rất không lành mạnh", theo Chỉ số ô nhiễm không khí (API) Malaysia. Các nhà chức trách Singapore cũng đã ban hành khuyến cáo y tế trong tuần qua vì mức độ ô nhiễm không khí tăng cao do cháy rừng ở Indonesia, cảnh báo người dân nên ở trong nhà.
Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) cho biết tình trạng khói mù tại nước này có thể trở nên tệ hơn vì gió được dự đoán thổi từ phía đông hoặc đông nam, nơi có các đám cháy. Điều này có thể khiến Chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI) trong 24 giờ tăng lên mức "không lành mạnh".
Philippines và miền nam Thái Lan cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên Indonesia phủ nhận cáo buộc rằng các đám cháy ở nước họ đã gây ô nhiễm lan sang Singapore và Malaysia. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.