Để giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, một người trưởng thành cần nạp từ 25 đến 30 gram chất xơ. Trong bữa sáng, nạp khoảng 10 gram chất xơ là đủ cho bữa ăn này. Chỉ cần 2 muỗng canh hạt chia là có thể cung cấp 10 gram chất xơ cho cơ thể, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Hạt chia giúp giảm cholesterol, kiểm soát đường huyết
Điều đặc biệt là hạt chia có cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Lượng chất xơ này làm tăng khối lượng phân và giúp phân giữ nước, nhờ đó ngăn ngừa táo bón. Các dưỡng chất trong hạt chia còn giúp giảm cholesterol, kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Hạt chia là loại thực vật cung cấp nguồn canxi, sắt, magiê, selen, thiamin và niacin chất lượng tốt. Đặc biệt, chất axit alpha-linolenic trong hạt chia là một loại a xít béo omega-3, có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, hạt chia cũng có hàm lượng protein thực vật với mức 17 gram trong 100 gram.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Food Science and Nutrition phát hiện omega-3, chất xơ và protein trong hạt chia có thể giúp giảm chất béo trung tính triglyceride và tăng cholesterol "tốt" HDL. Trong khi đó, chất xơ, chất béo không bão hòa và hợp chất phenolic trong hạt chia khi vào ruột sẽ làm chậm quá trình hấp thụ tinh bột vào máu, nhờ đó giúp kiểm soát đường huyết.
Đặc biệt, hàm lượng chất chống ô xy hóa mà hạt chia mang lại giúp trung hòa các gốc tự do và giảm viêm trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng phát hiện hạt chia chứa các dưỡng chất giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tụy, gan, đại trực tràng và vú.
Hạt chia thường được xay nhuyễn thành bột. Cách đơn giản nhất là cho vào nước nóng rồi khuấy đều để uống. Nước hạt chia có dạng sệt như gel, đó là do hàm lượng chất xơ hòa tan.
Chất xơ hòa tan có lợi ích giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát đường huyết, cải thiện tiêu hóa và hỗ trợ giảm cân. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thêm hạt chia vào sinh tố, làm bánh hay cho vào rau trộn, theo Verywell Health.
Bình luận (0)