Cải thìa chứa hàm lượng nước cao, ít calo, rất phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh. Trong 100 gram cải thìa có đến hơn 95 gram nước, 1,5 gram protein, 1 gram chất xơ, 1,2 gram đường cùng vitamin A, C, K, B6 và các khoáng chất như canxi, kali, phốt pho, sắt, magiê, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Trong cải thìa có chứa glucosinolate, một hợp chất có tác dụng giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Hàm lượng selen trong cải thìa cũng có tác dụng chống ung thư.
Một lợi ích sức khỏe quan trọng khác khi ăn cải thìa là kiểm soát huyết áp. Lợi ích này có được là nhờ hàm lượng chất xơ và vitamin K trong cải thìa. Huyết áp được kiểm soát tốt hơn thì cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu công bố trên chuyên san JRSM Cardiovascular Disease phát hiện ăn các loại rau lá xanh thường xuyên, trong đó có cải thìa, sẽ giảm khoảng 16% nguy cơ mắc bệnh tim.
Không những vậy, hợp chất glucosinolate trong cải thìa ngoài chống ung thư còn có tác dụng kiểm soát huyết áp. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Frontiers in Pharmacology thực hiện trên chuột cho thấy chỉ số huyết áp đã giảm trên những con chuột được cho ăn thực phẩm có chứa glucosinolate. Tương tự, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những người trưởng thành ăn nhiều rau chứa glucosinolate thì chỉ số huyết áp cũng giảm sau 4 tuần.
Các chuyên gia cho biết một số dưỡng chất trong cải thìa cũng có tác dụng chống lại tác hại của của chất gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng. Đây là những hợp chất được tạo ra khi thịt bị nướng khét.
Tùy vào sở thích của mỗi người mà có thể chọn cải non, có kích thước nhỏ hay cải thìa lớn. Tuy nhiên, những người dễ bị đầy hơi, chướng bụng nên ăn cải thìa ở mức vừa phải, theo Healthline.
Bình luận (0)