'Tắc' đường vành đai, nghẽn giao thông: Thiếu vốn, thiếu cơ chế

24/01/2019 09:16 GMT+7

Hạ tầng giao thông yếu kém đã kéo giảm rất nhiều tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM, cản trở phát triển du lịch, tăng chi phí logistics, ngập lụt, kẹt xe kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.

Mặc dù TP rất sốt sắng muốn đẩy nhanh các dự án trọng điểm nhưng khó khăn lớn nhất chính là cơ chế tự chủ, tự quyết và các chính sách thu hút vốn xã hội hóa. Đơn cử như dự án đường vành đai 3. Đây là dự án lớn, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư là hết sức khó khăn, cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành, tỉnh, TP. Theo các chuyên gia, với một dự án lớn như thế này, nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi xã hội hóa toàn bộ đều không khả thi.
Trong thời gian chờ đợi Thủ tướng “gật đầu” với chủ trương thực hiện dự án theo hình thức PPP (đối tác công - tư), do quá sốt ruột về tiến độ của dự án, TP.HCM đã đề xuất Chính phủ cho phép tạm ứng ngân sách của TP để tiến hành ngay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng việc áp dụng cơ chế đặc thù này vẫn phải chờ quyết định của Thủ tướng. Dự án đường vành đai 2 cũng không ngoại lệ.
2 trong 3 dự án khép kín đoạn còn lại của tuyến đường này đều được phê duyệt đầu tư theo hình thức BT, trong khi theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng quy trình thực hiện dự án theo hình thức PPP để triển khai thống nhất chung trên toàn địa bàn TP. Do đó, dự án đang phải nằm chờ TP ban hành quy trình thực hiện dự án theo hình thức PPP. Ngân sách không thể đủ “kham” các dự án giao thông với số vốn khổng lồ, huy động xã hội hóa lại chưa có cơ chế rõ ràng, khiến loạt dự án giao thông lớn của TP.HCM đều đang mắc kẹt.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường đại học Fulbright, đánh giá hầu hết các dự án giao thông đều cần số vốn đầu tư rất lớn, trong bối cảnh ngân sách TP bị cắt về T.Ư nhiều như hiện nay, việc kêu gọi xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư là điều bắt buộc. Theo ông Du, những khó khăn trong triển khai các dự án trọng điểm của TP thời gian qua là hệ quả giữa
2 thách thức đối nghịch trong quản lý nhà nước. Theo đó, Chính phủ có xu hướng để một thời gian buông lỏng cơ chế đầu tư tại một số địa phương, khi xảy ra tiêu cực, tham nhũng, mất kiểm soát, tạo gánh nặng cho quốc gia thì bắt đầu siết lại. Nhưng khi siết lại siết chặt quá, khiến những TP lớn như TP.HCM, Hà Nội cần không gian rộng để phát triển lại bị bó, nảy sinh trục trặc. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa có chiến lược rõ ràng đối với từng địa phương để xây dựng chính sách, cơ chế tập trung. Luôn xác định TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng thực chất lại chưa có ưu tiên, trao cơ chế đặc thù nhưng vẫn ràng buộc, khiến TP trở nên bị động.
“Không chỉ các đường vành đai, tuyến metro số 1 - dự án mang tính sống còn của TP cũng là một ví dụ điển hình. Vốn đã có nhưng dùng dằng mãi, đẩy qua đẩy lại vẫn chưa cơ quan nào đứng ra quán xuyến, giải quyết. Mắc kẹt vẫn là TP.HCM. Vấn đề chỉ được giải quyết tận gốc khi sửa được động cơ, cách thức làm việc của cán bộ nhà nước, dựa vào niềm tin và sự quyết đoán giữa T.Ư và địa phương”, ông Du nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.