Trao đổi với Thanh Niên trong buổi Họp mặt báo chí định kỳ của Sở GTVT TP.HCM hôm nay (22.1), ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở GTVT TP cho biết UBND TP đang tích cực đẩy nhanh việc khép kín đường vành đai 2. Đây là một trong các dự án trọng điểm nằm trong nhiệm vụ chính của Sở GTVT năm 2019.
Hiện đường vành đai 2 vẫn còn 14 km chưa được khép kín, được chia thành 3 đoạn tương ứng với 3 dự án, gồm: đoạn từ ngã ba An Lạc (Q.Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Nhà Bè) dài khoảng 5,3 km, đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức). Trong đó, đoạn từ ngã ba An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh mới đang ở bước trình xem xét chủ trương đầu tư. Hai đoạn còn lại đã được UBND TP phê duyệt đề xuất dự án từ tháng 12.2016 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu dự án khả thi do chưa xác lập được phương án tài chính khả thi.
|
Theo ông Nguyên, các dự án đều đã có nhà đầu tư quan tâm, tích cực đề xuất nhưng phương án thực hiện dự án theo hình thức BT đang gặp nhiều khó khăn, nhà đầu tư còn do dự sợ rủi ro và phải chờ thành phố chính thức ban hành quy trình thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư. Tuy nhiên đây là dự án mang tính chất cấp bách nên để đẩy nhanh việc khép kín đường vành đai 2, lãnh đạo TP đang chủ trương ưu tiên vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, về sau nhà đầu tư chỉ cần thực hiện phần xây lắp, kỹ thuật...
"Không làm thế không thể nhanh được. Hiện các dự án giao thông lớn của TP.HCM chủ yếu vướng mắc lớn nhất vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. Các dự án đang triển khai chỉ là giải pháp mang tính cấp bách. Muốn TP.HCM thoát khỏi kẹt xe thì phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai 2 cùng các công trình giao thông lớn" - vị này nhận định.
Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định điều chỉnh số 568 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường vành đai 2 trên địa bàn TP.HCM có tổng chiều dài 69,2 km đi qua các quận: 2, 7, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và 2 huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Đến nay đã có 54,7 km được đầu tư xây dựng. Phần chiều dài còn lại đang chờ thực hiện được chia thành 4 đoạn, với tổng mức đầu tư ước tính gần 16.500 tỉ đồng. Trong đó, chi phí dành cho công tác giải tỏa mặt bằng chiếm hơn 10.700 tỉ đồng.
Bình luận (0)