Tách thửa ở Bình Dương: Anh em ruột cũng không được cho, tặng nhau

Đỗ Trường
Đỗ Trường
01/09/2024 15:26 GMT+7

Những bất cập về quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa của Bình Dương đang gây bức xúc cho người dân và không ít cán bộ quản lý.

Cụ thể tại điều 3, mục 3 Quyết định số 12 của UBND tỉnh Bình Dương về xử lý trường hợp cá biệt có nhu cầu tách thửa nhưng không đảm bảo quy định tại khoản 1 và khoản 2 (điều 3) được giao cho UBND cấp huyện thành lập hội đồng tư vấn để xem xét, giải quyết việc tách thửa và chỉ xem xét, giải quyết tách thửa một lần cho hộ gia đình, cá nhân.

Tách thửa ở Bình Dương: Anh em ruột cũng không được cho, tặng nhau- Ảnh 1.

Quy định về trường hợp cá biệt được tách thửa

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Trường hợp cá biệt tách thửa đất thừa kế theo quyết định này quy định "Tách thửa đất để tặng cho vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi".

Theo nhiều người dân, quy định về trường hợp cá biệt được tách thửa không bao gồm đối tượng là anh em ruột được tặng cho nhau, sẽ gây khó khăn cho họ.

Tách thửa ở Bình Dương: Anh em ruột cũng không được cho, tặng nhau- Ảnh 2.

Những bất cập trong quy định tách thửa gây khó cho người dân có nhu cầu chính đáng

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Ông N.V.T (57 tuổi, ngụ Bình Dương) dẫn chứng, hiện nay có rất nhiều trường hợp khi cha mẹ mất để lại đất giao cho 1 người con trong gia đình đứng tên trong sổ đất. Theo quy định trên thì người con này muốn cho, tặng những người anh em trong gia đình cũng không được. Trong khi đó, trường hợp cha mẹ nuôi, con nuôi thì lại quy định được cho, tặng.

Tương tự, quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp tại thị trấn tối thiểu là 2.000 m2; tại các xã là 3.000 m2 cũng bất cập, thiếu thực tế.

Một cán bộ đang công tác ở cấp huyện (Bình Dương) phân tích: Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn. Vì ở khu vực này không phải gia đình nào cũng có từ 2.000 – 3.000  m2 đất nông nghiệp để chia tách cho các con. Đặc biệt là ở khu vực thị trấn là đô thị loại 4 mà quy định 2.000 m2 đất nông nghiệp là vô cùng khó.

"Có trường hợp gia đình có 5 người con trở lên thì lấy đâu ra đất để đủ điều kiện tách thửa, tặng cho con cái trong gia đình" - vị cán bộ nói.

Tách thửa ở Bình Dương: Anh em ruột cũng không được cho, tặng nhau- Ảnh 3.

Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Vị này nói thẳng, quy định về điều kiện tách thửa chủ yếu là ngăn ngừa phân lô bán nền nhưng nếu người dân có nhu cầu thực sự thì không nên áp dụng quy định này.

"Nếu khi cha mẹ còn sống hay anh em hòa thuận chia tài sản thì nên tạo điều kiện cho họ. Nếu không, sau này tài sản không phân chia được lại gây mâu thuẫn giữa anh em trong nhà, rồi khiếu nại, kiện tụng... sẽ làm phức tạp thêm tình hình" - vị cán bộ bày tỏ bức xúc.

Liên quan đến những bất cập trong quyết định của Bình Dương mà Báo Thanh Niên đã thông tin, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ được xem xét trong cuộc họp về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.