6 năm Grab tại Việt Nam: Tài xế từ ‘trái ngọt’ tới ‘trái đắng’

Mai Hà
Mai Hà
10/12/2020 13:47 GMT+7

Năm 2014, Grab bắt đầu có mặt tại Việt Nam. Sau 6 năm, ứng dụng gọi xe này đã “bình định” xong thị trường, nhưng cùng với đó, “tuần trăng mật” của đối tác tài xế Grab đã sớm kết thúc.

Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2014 với tên gọi ban đầu là GrabTaxi song không thực sự gây chú ý. Tháng 10.2014, Grab tiếp tục cho ra mắt dịch vụ Grabbike. Tới năm 2015, Grab và Uber - một ứng dụng gọi xe khác được Bộ GTVT cấp phép thí điểm hoạt động tại 5 địa phương lớn trên cả nước.
Nếu đề án thí điểm tạo khuôn khổ pháp lý cho Grab và các ứng dụng gọi xe có đất sống, thì cuộc chiến khuyến mãi cho khách hàng, chiết khấu cho tài xế ở mức tối đa đã khiến Grab bùng nổ cả về thị phần, số lượng tài xế. Những năm đầu tiên tại thị trường Việt Nam, tài xế tham gia Grab được hàng loạt mức thưởng hấp dẫn, chiết khấu thấp.
Giai đoạn 2015 - 2016 thậm chí chứng kiến làn sóng nhiều người vay tiền ngân hàng mua xe ô tô để chạy Grab, với mức thu nhập hứa hẹn 25 - 30 triệu đồng/tháng.

Điệp khúc tăng chiết khấu - đình công

Tuy nhiên, niềm vui chỉ kéo dài trong 2- 3 năm, từ năm 2018 bắt đầu mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Grab và các đối tác tài xế gồm cả GrabCar và Grabbike, khi mức chiết khấu với tài xế tăng mạnh kèm theo hàng loạt mức tính phí khác.
Tháng 1.2018, sau khi bị Grab áp mức chiết khấu mới từ 20% lên 23,6% nhiều tài xế tại TP.HCM và Hà Nội đã kêu gọi tắt ứng dụng để đình công hoặc book các chuyến đi ảo để phản đối Grab. Thời điểm đó, Grab lý giải từ 1.1.2018, Grab kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế cho lái xe dựa trên phần trăm doanh thu các đối tác nhận về theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Theo đó, Grab khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu mà đối tác nhận được, tương đương 3,6%.
Việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng với những đối tác có doanh thu bắt buộc phải nộp thuế trên 100 triệu đồng/năm. Với các khoản phí hỗ trợ dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, Grab sẽ khấu trừ 1% và 10% với các khoản phí hỗ trợ khác.
Trước đó, tháng 8.2017, một số tài xế Grabbike tại Hà Nội đồng loạt tắt ứng dụng và kêu gọi đình công phản đối mức chiết khấu tăng thêm 5% lên 20%. Một lần phản ứng khác với tài xế GrabCar khi mức chiết khấu với đối tác tài xế mới tham gia sau 1.10.2018 tăng lên đến 28% và 23,6% với tài xế tham gia trước 1.10.2017 (tài xế cũ mức chiết khấu là 20%).
Đáng nói, phần lớn các cuộc đình công của tài xế Grabbike hay GrabCar đều không mang lại kết quả gì, thay vào đó, mức chiết khấu cao dần theo các năm, đồng thời các quy định thưởng cho tài xế ngặt nghèo hơn trước.

Quyền lợi nào cho tài xế?

Đáng nói, trong số các hãng xe công nghệ đang hoạt động tại Việt Nam gồm Be, Gojek, FastGo,... mới chỉ duy nhất Grab thông báo tăng giá cước với lý do tăng theo Nghị định 126/2020.
Anh Đoàn Văn T., một tài xế Grabbike, cho biết dù giá cước tăng lên nhưng tỷ lệ chiết khấu cũng tăng theo nên thực tế doanh thu tài xế vẫn giảm.
“Trước đây một cuốc xe 13.000 đồng cho quãng đường hơn 1 km, sau khi tăng giá cước nhưng vẫn báo cước quãng đường tương đương chỉ 13.000 đồng, trừ chiết khấu hết 3.600 đồng, 2.000 đồng phí nền tảng, trừ xăng xe, tài xế chỉ thực nhận khoảng 7.000 đồng/km”, anh T. cho biết.
Dù vậy, một thực tế, theo tài xế xe ôm này, là các tài xế Grabbike đình công nhiều lần trước đây nhưng không thay đổi được nhiều các chính sách chiết khấu của hãng. Dù phản ứng rất mạnh, nhưng số lượng tài xế đăng ký làm Grabbike vẫn liên tục tăng.
“Nhiều cuốc chạy thực nhận được rất thấp, nhưng anh em không dám từ chối cuốc nhiều, vì sẽ bị khó nhận cuốc sau hơn hoặc mất điểm thưởng... Số lượng tài xế nhiều nên nhiều khi cả ngày chạy chỉ được vài trăm nghìn đồng”, anh T.chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hợp đồng giữa các tài xế Grabbike và Grab là đối tác tài xế, không phải là hợp đồng lao động chính thức giữa doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, khi số lượng tài xế công nghệ tham gia vào loại hình này rất lớn, tới hàng trăm nghìn người, thì các cơ quan quản lý cần xem xét lại các quy định về hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp - tài xế. Điều này nhằm bảo vệ quyền của chính doanh nghiệp, của hành khách, đặc biệt là của tài xế khi phát sinh các tranh chấp với doanh nghiệp.
Ông Quyền cũng cho rằng, xe tham gia hoạt động chở khách theo hợp đồng điện tử có cả chủ xe cá nhân hoặc xe được đăng ký dưới mô hình hợp tác xã, sau đó đăng ký với các ứng dụng công nghệ như Grab, Be, Gojek,… sử dụng phần mềm kết nối để hoạt động nên chưa rõ các ràng buộc về quyền lợi tài xế.
“Việc ký kết hợp đồng của tài xế với đơn vị cung cấp dịch vụ ở đây là các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng hay các hợp tác xã theo luật Lao động cần quy định rõ, để đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho tài xế cũng như nghĩa vụ nộp thuế cần được quan tâm đầy đủ”, ông Quyền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.