Bằng mọi cách đẩy nhanh đầu tư công

09/05/2020 08:06 GMT+7

Đẩy nhanh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng là đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, các gói hỗ trợ đến được với doanh nghiệp (DN) luôn có độ trễ. Nhiều trường hợp tiền đến nơi thì DN đã “chết” rồi. Trong khi đó, giữa bối cảnh hiện nay, đầu tư công là lĩnh vực duy nhất “miễn nhiễm” với dịch bệnh, không những thế lại nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước.
“Đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công thì tạo ra sức cầu cho nền kinh tế, tạo ra sự lan tỏa cho các dự án phụ thuộc và tạo cơ sở cho sự phục hồi sau này. Cần có cơ chế giải quyết nút thắt thủ tục làm sao đảm bảo giải ngân nhanh nhưng không tạo ra rủi ro đạo đức. Bên cạnh đó, cần xác định ưu tiên. Các dự án không phục vụ cho hoạt động kinh tế như tượng đài, công trình văn hóa... thì tạm ngưng để dồn sức cho các công trình tạo ra giá trị gia tăng và có sự lan tỏa như đường cao tốc khu vực miền ở Tây Nam bộ hay miền Trung. Một số dự án trước đây đầu tư theo hình thức PPP, chờ vốn tư nhân, hiện nay cũng nên cân nhắc chuyển sang đầu tư công vì tính cấp bách, đồng thời do vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng chưa giải ngân hết. Tóm lại, phải tìm mọi cách đẩy đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể”, vị này kiến nghị.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, kiến nghị: “TP.HCM và Hà Nội với vai trò là trung tâm kinh tế phát triển nhất nước, chính quyền TP cần cởi mở tối đa trong đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông để DN có cơ hội bằng năng lực của mình đóng góp đầu tư khi có quỹ đất tự đền bù, hoặc nhà nước đền bù bằng nguồn vốn của DN. Trong tình hình khó khăn hiện nay, xã hội hóa đầu tư sẽ phát huy được sức mạnh, tạo thêm công ăn việc làm, tiêu thụ được nguồn nguyên vật liệu giúp ngành vật liệu xây dựng có việc làm. Song song đó, cần thu hẹp hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước, chỉ nên thực hiện đối với các dự án nào mà DN không thể thực hiện hoặc không tham gia thực hiện”.
Liên quan các giải pháp kích cầu, ông Trung cho rằng nên có chính sách khuyến khích người dân VN đi du lịch trên đất nước VN. Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp đáng kể và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của đất nước. Với lợi thế về địa lý, khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch, VN đã là điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, hiện Chính phủ vẫn hạn chế khách du lịch nước ngoài để đảm bảo kiểm soát được dịch tốt nhất. Do đó, đây là thời điểm kêu gọi người dân VN đi du lịch với khẩu hiệu “Khám phá quê hương” để kích thích người dân đi du lịch trong nước và chi tiêu, bù đắp lượng khách nước ngoài phục hồi ngành du lịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát tốt được dịch và đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
“Cần hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, có chính sách vay ưu đãi và tạo điều kiện cho người dân được mua ô tô. Suốt nhiều thập niên qua, tỷ lệ người dân VN sở hữu ô tô rất ít, hiện nay giá xăng cũng giảm và xu thế không tăng cao. Đây là cơ hội giúp người Việt mua xe. Dịch bệnh cũng làm người dân nhận thấy nhu cầu có xe riêng nhiều hơn các loại phương tiện công cộng”, ông Trung đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.