300 triệu đồng trở lên phải báo cáo
Cuối tuần qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có công văn gửi doanh nghiệp kinh doanh và sàn giao dịch, môi giới bất động sản (BĐS) ở TP yêu cầu lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).
Tuy nhiên theo các sàn giao dịch BĐS, họ vẫn chưa nhận được văn bản này. Ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty VNG Real, cho biết hiện nay người dân khi đi mua nhà đất thường thanh toán theo 2 hình thức, một là tiền mặt và hai là chuyển khoản qua ngân hàng, trong đó tiền mặt chiếm khoảng 60%. Lý do giao dịch tiền mặt vẫn cao bởi đa số người dân muốn trực tiếp đến công ty nộp lấy chứng từ, hóa đơn cho yên tâm, sau này có vấn đề gì còn làm bằng chứng khởi kiện. “Thị trường BĐS giao dịch qua sàn chỉ chiếm một phần nhỏ ở các dự án. Còn nhà phố, nền đất, người dân làm thủ tục và giao dịch ở văn phòng công chứng, chiếm thị phần lớn. Do đó, yêu cầu các sàn BĐS phải báo cáo các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên và các giao dịch đáng ngờ là rất khó kiểm soát đối với hoạt động rửa tiền”, ông Trinh phân tích và nhận xét, quy định này khá chung chung, không có chế tài đủ mạnh cũng như không có hậu kiểm nên các sàn có thể không tuân thủ cũng như đưa ra các báo cáo không đầy đủ và không trung thực. “Chưa kể, không chỉ riêng BĐS là có giá trị, những mặt hàng xa xỉ như xe ô tô, kim cương, vàng, thậm chí đồng hồ đắt tiền, thời trang... cũng có nguy cơ rửa tiền sao cơ quan chức năng không quy định. Làm như vậy sẽ có tác động tâm lý không tốt đến thị trường và khách hàng”, ông Trinh thắc mắc.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trường Phát, phân tích: Các sàn chỉ là đơn vị môi giới, chỉ nhận tiền cọc của khách hàng từ 50 - 100 triệu đồng/sản phẩm. Khi khách hàng ký hợp đồng với chủ đầu tư tiền thanh toán sẽ được nộp trực tiếp cho chủ đầu tư bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Do đó, việc yêu cầu sàn báo cáo các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên có thể trở nên vô nghĩa. Để quy định này khả thi, cần yêu cầu chủ đầu tư báo cáo. Chưa kể, sàn môi giới là đơn vị làm dịch vụ kiếm tiền nên khó có thể yêu cầu họ “bán” đứng khách của mình. Rồi phân biệt như thế nào là đáng ngờ cũng là một vấn đề lớn mà các sàn môi giới không có nghiệp vụ như công an hay thuế sẽ rất khó để nhận biết mà báo cáo...
Bỏ lọt nhiều lĩnh vực
Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh và Quan hệ quốc tế, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết trên thế giới các giao dịch lớn có khả năng rửa tiền cũng được kiểm soát. Nhưng tại VN, vấn đề này khá “nhạy cảm” trong cách tiếp cận bởi từ trước đến nay giao dịch ngầm quá nhiều, người dân cũng có thói quen dùng tiền mặt tích lũy để mua bán nhà đất. Do đó, cần có sự truyền thông để mọi người thấy được tính tích cực và khuyến khích các tổ chức có liên quan thực thi đúng. Thị trường đang sống với nhiều giao dịch giá ảo nên nếu làm tốt, quy định này sẽ khiến thị trường rõ ràng và minh bạch hơn.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng vẫn "lăn tăn" khi phân tích, từ năm 2009 Chính phủ VN đã ban hành Nghị định phòng chống rửa tiền, với mức là từ 200 triệu đồng và các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ. Ngoài BĐS còn có chứng khoán và ngân hàng cũng bị áp dụng quy định này. Dù vậy, Bộ Xây dựng không hiểu căn cứ vào đâu lại quy định từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo và chỉ áp dụng với sàn môi giới. Điều này khiến quy định không khả thi và chưa phản ánh đúng “hơi thở” của thị trường. Theo ông Châu, hiện nay luật Kinh doanh BĐS không quy định giao dịch BĐS phải qua sàn và người mua cũng có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Như vậy, số lượng giao dịch qua sàn không nhiều nên báo cáo cũng không phản ánh được hết thực tế giao dịch trên thị trường. Do đó, nếu muốn kiểm soát rửa tiền thì cần phải quy định tất cả giao dịch BĐS phải qua ngân hàng. Đồng thời cả tài chính, thuế phải vào cuộc mới giải quyết được vấn đề rửa tiền, chứ quản lý qua sàn thì không đủ.
Bình luận (0)