Bay nội địa vẫn thấp thỏm chờ các tỉnh

Mai Hà
Mai Hà
24/09/2021 17:16 GMT+7

Kẹt lại vì dịch tại các địa phương khác hàng tháng trời, rất nhiều người đang mong mỏi từng ngày hàng không hoạt động trở lại. Song, việc bay trở lại đang vướng nhiều rào cản, phụ thuộc vào độ "mở" của các địa phương.

Chị T.H (sinh sống tại TP.HCM) đã kẹt lại Hà Nội do giãn cách từ tháng 7. Sốt ruột vì công việc, nhà cửa tại TP.HCM nhưng vì tình hình dịch quá căng thẳng nên chị H. chưa thể quay trở lại.
Tới đầu tháng 9, khi các con phải quay trở lại học online, tình hình dịch TP.HCM dù vẫn còn phức tạp, nhưng chị và gia đình nóng lòng được quay về TP.HCM nhưng vẫn chưa được do vướng nhiều quy định. Cách đây vài ngày, Bộ GTVT đã đề xuất kế hoạch đi lại "bình thường mới", trong đó các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 như TP.HCM cho phép các sân bay được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi hoặc đến các địa phương không áp dụng Chỉ thị 16. 
Không riêng chị H., rất nhiều người dân đang kẹt lại tại các địa phương khác vì dịch Covid-19 đều mong ngóng kế hoạch đi lại "bình thường mới" của Bộ GTVT sớm được thông qua. 
Dù vậy, việc khôi phục đi lại bình thường mới vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào độ "mở" của các địa phương. Đơn cử như Hà Nội đã điều chỉnh nới lỏng giãn cách từ Chỉ thị 16/CT-TTg xuống Chỉ thị 15, song thành phố vẫn chưa khôi phục lại vận tải hành khách liên tỉnh, các chuyến tàu và chuyến bay đến Hà Nội cũng đang đóng.
Giữa tháng 9, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã báo cáo Bộ GTVT kế hoạch khôi phục lại các đường bay nội địa theo 3 giai đoạn.
Theo đó, yêu cầu với tổ bay, toàn bộ tổ bay và nhân viên hàng không phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin phòng Covid-19. Tổ bay có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi thực hiện chuyến bay. Đối với hành khách, có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Trong dự thảo khôi phục đi lại đang lấy ý kiến các địa phương, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án bổ sung thêm các điều kiện: hành khách phải đáp ứng yêu cầu 5K, hoặc đáp ứng yêu cầu 5K và một trong các tiêu chí (đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh hoặc có giấy chứng nhận âm tính trong 72 giờ).
Trông ngóng được bay nội địa thường lệ trở lại, song theo đại diện Vietnam Airlines, việc mở lại các đường bay nội địa phụ thuộc rất lớn vào các địa phương.
“Như hiện tại, nhiều địa phương đều chưa muốn mở lại cho bay nội địa. Đặc biệt, nếu Hà Nội và TP.HCM vẫn “đóng” thì việc khôi phục lại bay nội địa chưa có nhiều ý nghĩa, vì các đường bay kết nối giữa các tỉnh khác không có nhiều khách”, đại diện VNA cho hay.
Thực tế, Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 sân bay lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 2/3 tổng số các đường bay nội địa, kết nối đường bay trục Hà Nội - TP.HCM, cũng như tạo thành mạng bay hình quạt tới các địa phương trong cả nước.

Không nên lãng phí “thẻ xanh”, “thẻ vàng”

Tính tới ngày 23.9, Việt Nam đã tiêm được hơn 36 triệu liều vắc xin trên cả nước, trong đó 29 triệu người đã tiêm mũi 1. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin tại Hà Nội và TP.HCM đều ở mức cao, trong đó Hà Nội đã tiêm được trên 42% mũi 1. Về mũi 2, cả 2 thành phố đều đang có kế hoạch đẩy nhanh phủ vắc xin trên cơ sở phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế.
Theo đại diện một hãng hàng không, với trên 36 triệu người đã tiêm vắc xin, trong đó 7 triệu người đã tiêm mũi 2 thì cần phá bỏ các rào cản để họ có thể lưu thông, sản xuất kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Hàng không có các chuyến bay xanh, luồng xanh, hành khách có “thẻ xanh” vắc xin bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Đây là các giải pháp không tốn một đồng ngân sách nào nhưng lại có thể góp phần giảm thiểu thiệt hại, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Với cách quản lý theo cách chặn đứng đi lại tại các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 sẽ làm khó cả người dân và doanh nghiệp”, vị này chia sẻ.
Theo TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, việc nghiên cứu để khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ là cần thiết khi tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin từ 1 - 2 mũi ngày càng tăng.
Đặc biệt, việc khởi động lại hoạt động khai thác, vận chuyển hành khách sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp hàng không có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh.
“Thực tế nhiều người dân vẫn đang đi ô tô từ địa phương này sang địa phương khác. Không có lý do gì hàng không lại chưa thể mở lại được, nhất là hàng không còn có những quy trình an toàn và chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu các địa phương yêu cầu nhiều thủ tục hoặc yêu cầu cách ly tập trung dài ngày thì rất khó mở cửa trở lại. Nên tạo điều kiện, từng bước nới lỏng cho người dân đi lại”, ông Nề nhìn nhận.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các chuyến bay thử nghiệm hộ chiếu vắc xin đã được triển khai thành công. Cơ quan chức năng cần sớm tổng kết kinh nghiệm để xúc tiến khởi động lại các đường bay quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.