Bỏ trốn được xóa nợ thuế?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
15/08/2019 05:56 GMT+7

Số nợ thuế không có khả năng thu hồi lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Dự kiến sẽ có nghị quyết xử lý khoanh, xóa số này, nhưng với tình trạng doanh nghiệp “ma” hiện nay, nếu xóa nợ, đối tượng chây ì thuế sẽ hưởng lợi.

Nợ thuế không có khả năng thu hồi tăng

Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 7 là 83.158 tỉ đồng, giảm 5,7% (tương đương gần 5.000 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 nhưng tăng 8,9% so với cuối năm 2018.
Trong đó nợ thuế không còn khả năng thu hồi do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan trách nhiệm hình sự, tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh lên đến 39.010 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 46,9% tổng tiền nợ thuế, tăng 11,4% (tương đương 3.992 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2018, tăng 0,3% so với thời điểm 30.6.2019.
Việc khoanh, xóa nợ đọng thuế là cần thiết, nhưng xử lý xóa nợ đọng thuế như con dao hai lưỡi, tạo tiền lệ không tốt, cổ súy cho những người nộp thuế chây ì, bỏ trốn sẽ được xóa nợ
Luật sư Trần Xoa
Cụ thể, trong hơn 759.000 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký… có tới hơn 731.000 người nộp thuế (197.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 534.000 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số tiền thuế nợ lên tới hơn 23.000 tỉ đồng, tiền phạt chậm nộp hơn 9.300 tỉ đồng. Còn lại 2.600 người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền thuế nợ là 460 tỉ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỉ đồng. Trên 24.000 DN tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể DN với số tiền thuế nợ là hơn 2.000 tỉ đồng (trong đó tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp là 869 tỉ đồng).
Để xử lý số nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đang đưa ra dự thảo Nghị quyết trình Thủ tướng xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi theo hướng khoanh nợ, xóa nợ thuế.

Tránh gây tiền lệ xấu

Trong bối cảnh hàng loạt DN “ma” được thành lập để nhập hàng Trung Quốc về dán mác “made in Vietnam”, nhập rác thải khi bị phát hiện thì “bỏ của chạy lấy người”, địa chỉ kinh doanh “ảo” phát hiện gần đây…, nếu xóa nợ thuế cho gần 731.000 người nộp thuế bỏ hoặc không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh như nói trên rất dễ rơi vào tình trạng DN chây ì được xóa thuế.
Một cán bộ thu hồi nợ thuế vừa về hưu thừa nhận: “Sẽ có nhiều người mừng, thoát cảnh nợ thuế nếu quy định xóa nợ thuế được ban hành”. Ông này kể có trường hợp một DN nợ thuế gần 5 tỉ đồng. Người chồng đứng tên chủ DN tẩu tán toàn bộ tài sản qua cho DN do vợ đứng tên. Khả năng DN của người chồng sẽ được xóa nợ thuế, vì cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, nhưng không thu hồi được.
“Dù địa chỉ của đơn vị không còn hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng người chủ của DN hiện nay vẫn làm việc ở đơn vị khác. Chủ DN cố tình chây ì nợ thuế suốt thời gian qua và nếu được xóa nợ này, sẽ là tiền đề không tốt”, vị này khuyến cáo.
Thực tế trong những năm qua, số lượng DN ngưng hoạt động, DN “ma” không ít. Vụ việc lùm xùm gần đây về việc cơ quan hải quan kiểm tra 14 trong số 31 công ty nhập khẩu hàng hóa, linh kiện nhãn hiệu Asanzo đều đã ngưng hoạt động, địa chỉ “ma”. Cơ quan hải quan không thể thực hiện việc kiểm tra sau thông quan để làm rõ chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho đối tác Trung Quốc, hóa đơn giá trị gia tăng xuất bán cho đối tác nào trong nội địa, báo cáo quyết toán thuế nội địa.
Hồ sơ 14 công ty “ma” này đã được chuyển cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an để điều tra. Như vậy, trong trường hợp 14 công ty “ma” có phát sinh về thuế và không ai đóng gây ra nợ thuế trong thời gian dài, không lẽ những khoản nợ thuế như vậy sẽ được xóa sau này?
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng: “Việc khoanh, xóa nợ đọng thuế là cần thiết, nhưng xử lý xóa nợ đọng thuế như con dao hai lưỡi, tạo tiền lệ không tốt, cổ súy cho những người nộp thuế chây ì, bỏ trốn sẽ được xóa nợ. Do đó, cơ quan chức năng cần quy định rõ những thủ tục, điều kiện được xóa, khoanh nợ”. Riêng đối với trường hợp DN bỏ trốn, mất tích, người đại diện pháp luật chết ông Trần Xoa cho rằng không thể “khơi khơi” xóa nợ thuế được. Đối với những DN bỏ trốn, cơ quan thuế, hải quan phối hợp với cơ quan công an tìm ra những người trong công ty đó để chịu trách nhiệm với những khoản thuế đang nợ. Còn trường hợp người mất tích, có thể cho khoanh số thuế nợ lại, trong trường hợp người mất tích xuất hiện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Người đại diện pháp luật chết, đi tù… thì người tiếp quản công ty, các thành viên, cổ đông còn lại nộp thuế.
Các biện pháp cưỡng chế nợ trong thời gian qua như trích tiền tài khoản, cưỡng chế hóa đơn… chưa thật sự hiệu quả đối với những người nộp thuế chây ì. Cơ quan thuế, hải quan nên tập trung vào những đối tượng có khả năng rủi ro nợ thuế cao để áp dụng các biện pháp xử lý ngay tránh tình trạng tẩu tán tài sản. Đó là, phát mãi tài sản thu hồi nợ, chỉ cần làm thí điểm một số vụ sẽ tránh được tình trạng chây ì; thu hồi tài sản, vốn đã đầu tư ở các công ty con, công ty khác.
Luật sư Trần Xoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.