Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi chia sẻ với báo chí ngày 10.3. Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Cường đã giải thích vì sao yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải cùng nhau đưa giá lợn hơi về mốc 75.000 đồng/kg.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giá lợn hơi hiện nay ở mức cao phản ánh 2 vấn đề. Thứ nhất là chịu ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, nơi có giá thịt lợn rất cao, có tác động một phần đến Việt Nam. Thứ hai là hậu quả của dịch tả lợn châu Phi năm 2019 làm giảm tổng đàn, hiện giờ mới hồi phục. Thứ ba là giá thành chăn nuôi cũng tăng cao khi phải chi phí nhiều hơn cho phòng chống dịch bệnh.
Nhưng theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, dù chi phí chăn nuôi có tăng, nhưng chỉ cần bán với giá 75.000 đồng/kg thì người chăn nuôi và doanh nghiệp đã có lãi rất cao. Để hài hoà lợi ích của người tiêu dùng của cộng đồng xã hội, bảo vệ thị trường trong nước thì doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải giảm giá lợn hơi về mốc này, theo khuyến nghị của Chính phủ, và của Bộ NN-PTNT.
"Giảm giá lợn hơi hiện nay không phải là phi kinh tế thị trường mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm lo thị trường để ngành chăn nuôi phát triển bền vững", ông Cường nói.
Cũng theo khảo sát từ các hộ và một số doanh nghiệp, giá thành nuôi lợn hiện nay bao gồm tiền giống; thức ăn; vắc xin, thuốc thú y, thuốc sát trùng, vôi bột; nhân công, lãi vay, khấu hao trang thiết bị và tỷ lệ hụt đàn ở mức 5%. Cụ thể, giá thành lợn hiện vào khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg đối với doanh nghiệp và khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg đối với hộ chăn nuôi.
Cắt ưu đãi với doanh nghiệp không giảm giá
Trước đó, ngày 13.2, chia sẻ bên lề hội nghị phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, người đứng đầu ngành nông nghiệp lần đầu tiên đưa ra “tối hậu thư” cho doanh nghiệp phải giá thịt lợn về mức 75.000 đồng/kg.
Khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nếu các doanh nghiệp không chịu giám giá lợn hơi để bình ổn thị trường thì Bộ NN-PTNT sẽ cho rà soát các các chính sách ưu đãi mà doanh nghiệp đó đã được hưởng từ trước đó để thay đổi hoặc cắt bỏ. Doanh nghiệp nào thực hiện tốt sẽ được tuyên dương.
Chỉ vài ngày sau tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 2 đại gia lớn trong ngành chăn nuôi là Công ty cổ phần chăn nuôi CP và Tập đoàn DABACO đã giảm giá lợn hơi xuống 75.000 đồng/kg. Nhưng cũng chỉ hơn một tuần sau đó, giá lợn hơi ngoài thị trường tiếp tục tăng vượt xa mốc này.
Khảo sát mới nhất trong chiều ngày 10.3, giá lợn hơi trên phạm vi cả nước vẫn tiếp tục tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg và duy trì ở mức cao. Cụ thể, tại Thái Nguyên giá lợn hơi là 85.000 - 86.000 đồng/kg; tại Thái Bình, Hưng Yên là 88.000 - 90.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, giá lợn hơi lên tới 90.000 đồng/kg; tại Quảng Nam, Thừa Thiên Huế từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Ở các tỉnh miền Nam, giá lợn hơi tại Hậu Giang là 82.000 đồng/kg; tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg...
Liên quan đến giá lợn hơi tăng cao trong thời gian qua, ngày 6.3, Văn phòng Chính phủ đã thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ NN-PTNT; Bộ Tài chính và Bộ Công thương có biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu và kiểm soát giá lợn hơi, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của các bộ khi để giá lợn hơi tăng cao như hiện nay.
Bình luận (0)