Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Giá thịt lợn cao quá thì ai ăn?

31/12/2019 18:37 GMT+7

Giá thịt lợn những ngày qua chững lại, ổn định và đang đi xuống. Doanh nghiệp cứ xướng giá cao quá không khéo người tiêu dùng quay lưng, không ăn bởi có nhiều sự lựa chọn thay thế khi tôm, thịt gà, trứng đều nhiều.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trong cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về kết quả của ngành Nông nghiệp trong năm 2019 và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020.

Không tái nuôi lợn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 

Liên quan đến nguồn cung thịt lợn và giá thịt lợn liên tục tăng cao trong thời gian qua do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết, đang có tín hiệu tích cực về phục hồi sản xuất cũng như giá thịt lợn sau một số các giải pháp của Bộ NN-PTNT để bình ổn thị trường thực phẩm này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuống đến đáy. Ở thời điểm cao nhất là tháng 5 có trên 1,2 triệu con lợn bị tiêu hủy nhưng đến nay số lợn tiêu hủy thống kê mới đây đã giảm đến 97%. Cũng theo thống kê, cả nước đã có 3 tỉnh hết dịch tả lợn châu Phi và 80% số xã đã qua 30 ngày không ghi nhận có lợn chết và đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương tái đàn, phục hồi sản xuất.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, để phục hồi ngành chăn nuôi sau dịch bệnh phải mất nhiều năm. Nhưng với dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn hạt nhân hiện vẫn còn 109.000 con cụ, kỵ, ông bà và trên 2,7 triệu lợn nái, đảm bảo cung cấp con giống để tái đàn.
Ông Cường cho rằng, điểm tích cực trong 11 tháng ứng phó với dịch tả lợn châu Phi vừa qua là các trang trại, hộ chăn nuôi lớn đã nhận thức được tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn sinh học, nếu áp dụng đúng thì vẫn có thể chăn nuôi lợn dù trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin. Đặc biệt, công tác tái đàn lợn ở các địa phương phải được kiểm soát chặt chẽ, thận trọng và hiện chỉ khuyến khích trong các hộ chăn nuôi lớn, trang trại, gia trại chứ không tái đàn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
“Đáng lo nhất là giá lợn hiện nay còn cao, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu tái đàn nhưng không đảm bảo được các các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh dễ tái phát sẽ gặp rủi ro lần hai. Bộ NN-PTNT mong muốn các địa phương hỗ trợ hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ có thể chuyển đổi sinh kế hoặc chuyển sang chăn nuôi gia cầm, đại gia súc”, ông Cường nói.

Thịt lợn giá cao, người tiêu dùng sẽ quay lưng

Liên quan đến nguồn cung và thị trường thịt lợn những ngày vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi thì thiếu hụt, giá cao là chuyện đương nhiên, nhưng tổng nguồn thực phẩm phục vụ dịp tết Nguyên đán Canh Tý đảm bảo sẽ không thiếu.
Để bình ổn được thị trường thịt lợn, giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất phải gặp nhau ở một điểm chung. Người tiêu dùng chia sẻ, thông cảm bởi giá thịt lợn cao do chi phí phòng dịch, giá thành đầu vào đều tăng khi phải chăn nuôi trong điều kiện ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi. Nhưng ở chiều ngược lại, nhà sản xuất phải tính được ngưỡng chi phí đảm bảo có lời vừa đủ để tái sản xuất bền vững.
“Giá thịt lợn người sản xuất đưa ra để người tiêu dùng có thể chấp nhận được, còn nếu cứ xướng lên cao quá thì ai ăn”, ông Cường nói.
Bộ trưởng Cường cũng cho biết, trong những ngày vừa qua, một số doanh nghiệp, các chủ hộ chăn nuôi lớn mỗi ngày bán ra vài ngàn con đã có động thái giảm giá. Hiện giá lợn hơi phổ biến ở mức 83.000 đồng/kg.
“Giá lợn hơi hiện nay đã ổn định và có chiều hướng đi xuống. Doanh nghiệp phải giữ giá hợp lý thì mới sản xuất bền vững được, nếu giá cao quá người tiêu dùng sẽ quay lưng, không ăn khi họ không thiếu sự lựa chọn thay thế khi tôm nhiều, thịt gà nhiều, trứng nhiều”, ông Cường cảnh báo.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, ngay đầu năm 2020, Bộ sẽ tổ chức hội nghị chuyên sâu bàn chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn 2020 - 2030. Đối với ngành thịt lợn trong 10 năm tới, Bộ NN-PTNT sẽ tính toán để cơ cấu lại tỷ lệ trong nhóm thực phẩm cho phù hợp với sự vận động của nền kinh tế và cơ cấu dân số, chứ không để thịt lợn chiếm 70% trong rổ thực phẩm như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.