Cá tầm nội khổ vì cá tầm Trung Quốc

31/12/2020 06:17 GMT+7

Nhiều người nuôi cá tầm ở Lâm Đồng đã lâm cảnh khổ vì bị cá tầm Trung Quốc giá rẻ cạnh tranh trên thị trường.

Giá rẻ, tồn dư lớn

Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy hải sản Trường Toàn, cho biết công ty đã nuôi cá tầm suối Đà Lạt suốt 7 năm nay, nhưng chưa năm nào gặp cảnh khó, giá rẻ mạt như năm nay. “Diện tích nuôi cá tầm của công ty gần 3 ha, sản lượng cá hằng năm khoảng 500 tấn. Mấy năm trước, đến thời điểm này cơ bản công ty đã bán hết cá thương phẩm, nhưng năm nay thì quá chậm, còn tồn ở trang trại đến 170 tấn. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng phần lớn là do cá tầm Trung Quốc (TQ) xuất hiện với giá rẻ, chỉ khoảng 125.000 đồng/kg cạnh tranh trên thị trường. Mấy tháng nay, cá tầm TQ xuất hiện nhiều, công ty chúng tôi đã tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc nhưng bán vẫn chậm, giá bán sỉ từ 160.000 đồng hạ xuống còn 130.000 đồng/kg nhưng sức bán chỉ đạt 50%. Với số lượng cá tồn này, chưa kể tiền nhân công (khoảng 250 triệu đồng/tháng), riêng tiền thức ăn cho cá, mỗi ngày chúng tôi phải mất 60 triệu đồng”, ông Toản nói.
Cũng như ông Toản, nhiều doanh nghiệp, cá nhân nuôi cá tầm ở Lâm Đồng cũng gặp chung tình trạng này. Ông Nguyễn Tất Ngà, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, cho hay sản lượng cá tầm ở Lâm Đồng năm 2020 đạt gần 3.000 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường miền Nam.
“Thời gian gần đây nghề nuôi cá tầm trong nước gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của cá tầm nhập khẩu từ TQ. Sản lượng cá TQ quá nhiều, giá bán rất thấp, chỉ bằng 2/3 giá cá tầm trong nước. Không chỉ vậy, khi vào Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm TQ vào cá tầm Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được đâu là cá tầm TQ đâu là cá tầm Việt Nam, tạo hiện tượng lừa dối khách hàng và sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường”, ông Ngà thông tin.

Đề nghị kiểm soát cá tầm nhập khẩu từ Trung quốc

Theo tìm hiểu của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, cá tầm TQ nhập vào Việt Nam mặc dù có giá thành rẻ, nhưng chất lượng kém, thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam và quan sát hình dáng bên ngoài khác nhiều so với cá tầm Việt Nam. Hiện nay, cá tầm nuôi tại Việt Nam chủ yếu có 4 loài: cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Si-bê-ri (Acipenser baerii), cá tầm Slelert (Acipenser ruthenus). Những loài này đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc.
Đáng nói, nhập khẩu cá sống làm thực phẩm hiện nay không có trong danh mục được sản xuất thông thường mà phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành nhưng Tổng cục Thủy sản thì chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục được sản xuất thông thường.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ NN-PTNT đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan từ T.Ư đến các địa phương, đặc biệt là TP.Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh biên giới phía bắc có cửa khẩu giao thương với TQ tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm hàng hóa cá tầm tươi sống của TQ nhập lậu vào Việt Nam lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật.
“Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp tịch thu, tiêu hủy sản phẩm và xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp nhập lậu cá tầm theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục, hồ sơ pháp lý và thành phần loài cá tầm nhập khẩu để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng sản xuất trong nước với cá tầm nhập khẩu từ TQ. Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu từ TQ với mục đích để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng”, văn bản của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng nêu.
Cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cá tầm TQ nhập ồ ạt vào Việt Nam bán giá thấp khiến cá tầm Việt Nam không tiêu thụ được nên sản lượng tồn dư rất lớn, ước tại Lâm Đồng tồn khoảng 600 - 700 tấn. Việc này khiến người nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí thức ăn, con giống, nhân công vẫn phải tiếp tục chi trả. Đó còn chưa nói kích cỡ cá tầm càng lớn, vượt ngưỡng nhu cầu của thị trường thì càng rất khó bán.
Ông Nguyễn Tất Ngà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.