Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về Dự thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế". Theo dự thảo, mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn. Ở Việt Nam, hoạt động cho vay ngang hàng bắt đầu xuất hiện từ 2016. Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng công ty P2P lending hiện nay vào khoảng 100 công ty (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm) như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan... Trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia...
Các công ty P2P lending có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và số phí dịch vụ thu được. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam và nhìn nhận đây là thị trường có tiềm năng cho P2P lending phát triển. Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực đang tăng cường quản lý hoạt động P2P lending (Trung Quốc, Singapore, Indonesia...) thì các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty P2P Lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, do khuôn khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P lending, các công ty hoạt động trong lĩnh này đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... Điều đó cho thấy, các công ty P2P Lending ở Việt Nam hiện nay hầu như không phải hoạt động theo mô hình P2P lending truyền thống (với các đặc điểm như đã nêu ở trên).
Hoạt động của mô hình P2P lending thời gian qua đã mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực như: Cung cấp thêm giải pháp tiếp cận nguồn vốn cho người có nhu cầu vay và đáp ứng nhu cầu vay linh hoạt của người vay; Đa dạng hóa kênh đầu tư với nguồn thu hấp dẫn; Góp phần mạnh mẽ đẩy lùi tín dụng đen; Đẩy mạnh cải cách chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực tài chính cũng như góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình P2P Lending nếu như không được quản lý, giám sát chặt chẽ thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Nếu không được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đúng mức thì có thể gia tăng rủi ro về các sự cố liên quan đến công nghệ thông tin. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động thì có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.
Theo báo cáo BIS Quarter Review 2018 của Ngân hàng thanh toán quốc tế, thị trường P2P lending lớn nhất hiện nay là Trung Quốc (năm 2015 là 99,7 tỉ USD, 2016 là 240,9 tỉ USD), tiếp theo là Mỹ (năm 2015 là 34,3 tỉ USD, năm 2016 là 32,4 tỉ USD) và Anh (năm 2015 là 4,1 tỉ USD, năm 2016 là 6 tỉ USD). Báo cáo của Transparency Market Research về quy mô và xu hướng phát triển thị trường P2P lending toàn cầu giai đoạn 2016 - 2024 nhận định thị trường P2P lending có thể tăng trưởng đến 897,9 tỉ USD vào năm 2024.
Bình luận (0)