Dự kiến từ năm 2021 sẽ cấp phép thử nghiệm cho vay ngang hàng

Mai Phương
Mai Phương
02/06/2020 11:09 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến nội dung xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech).

Theo Dự thảo Nghị định đang được xây dựng, các lĩnh vực Fintech được tham gia cơ chế thử nghiệm bao gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…). Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 1 - 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thử nghiệm.
Ngân hàng Nhà nước lý giải, hoạt động Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng truyền thống. Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý tài chính của các quốc gia phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân.
Mặc dù không liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, tuy nhiên qua việc xử lý đối với trường hợp Uber và Grab tham gia thị trường vận tải tại Việt Nam vừa qua đã cho thấy bài học kinh nghiệm sâu sắc cho ngành tài chính – ngân hàng về việc ứng phó đối với thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần sớm có một khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động Fintech để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như hạn chế rủi ro cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ này. Sandbox là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách phổ biến nhất được các quốc gia áp dụng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tạo lập môi trường pháp lý thử nghiệm cho các công ty cung ứng giải pháp Fintech...
Nghị định dự kiến sẽ được trình Chính phủ ban hành trong năm nay. Như vậy dự kiến từ năm 2021 sẽ chính thức tiến hành tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận cho các ngân hàng, công ty Fintech tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số lượng các công ty Fintech tăng nhanh từ khoảng 40 công ty (năm 2016) lên đến khoảng 150 công ty, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể có khoảng 34 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn, còn lĩnh vực P2P lending có khoảng 40 công ty. Fintech còn thu hút sự quan tâm của các công ty công nghệ lớn qua hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp. Năm 2019, số vốn đầu tư vào Fintech tại Việt Nam tăng đột biến, lên tới hơn 400 triệu đô la, chiếm 36% tổng số vốn đầu tư của cả khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.