Cảnh báo hàng giả bán tràn lan trên mạng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/03/2019 06:51 GMT+7

Trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ về đánh giá tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cảnh báo tình trạng hàng giả tràn lan trên mạng.

Vận chuyển vào sâu thị trường nội địa

Cụ thể, tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân tiếp cận với các trang thương mại điện tử (TMĐT), lập các trang Facebook, website để quảng cáo, khuyến mãi, bán hàng qua mạng khá phổ biến, khiến nhiều đối tượng lợi dụng tuồn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ bán cho người tiêu dùng.
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội. Việc buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh... Thay vì chuyên chở bằng các xe trọng tải lớn như trước, nay hàng giả, nhái được vận chuyển bằng xe khách, ô tô du lịch để đưa vào tiêu thụ sâu trong nội địa ngày càng phổ biến.
Đặc biệt, thủ đoạn sản xuất, làm hàng giả cũng tinh vi hơn. Các mặt hàng như rượu, xi măng, phân bón… được làm từ nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, giá thành thấp, pha trộn với hàng thật, gắn nhãn mác thật của các DN đã đăng ký nhãn hiệu hoặc có những thương hiệu nổi tiếng để bán với giá như hàng thật, hàng có thương hiệu. Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tốc độ tăng trưởng TMĐT VN tăng trên 30% trong năm 2018. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng mô hình kinh doanh này để đưa hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ vào bán. Đặc biệt, có rất nhiều website, mạng xã hội, tổ chức tài chính nước ngoài... đang chiếm lĩnh thị trường bán hàng online của VN nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ.

Xây cả nhà máy sản xuất hàng nhái mà không bị phát hiện?

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc Công ty thời trang Nón Sơn, cho biết các DN bị hàng giả, hàng nhái tấn công thời gian dài thực sự quá “mệt mỏi vì phải căng mình chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và giữ cho công ty tồn tại”. Nón Sơn không chỉ bị làm giả bán tại các cửa hàng mà còn ngang nhiên bán trên mạng qua các trang bán hàng. Tuy nhiên, việc phát hiện sai phạm và xử phạt như… gãi ngứa, đa số bị phạt vi phạm hành chính chỉ vài triệu đồng nếu bị phát hiện, trong khi việc sản xuất kinh doanh hàng giả đang mang lại lợi nhuận tiền tỉ.
“Làm hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ mà có cả nhà máy hoành tráng nhưng một thời gian dài không ai phát hiện. Việc phát hiện hàng giả tại một số cửa hàng kinh doanh, trên mạng… chỉ là muối trong “biển người” làm hàng giả và kinh doanh hàng giả hiện nay. Thế nên theo tôi, muốn thực tâm chống vấn nạn hàng giả, phải triệt từ gốc và nhiều cơ quan tham gia, không chỉ là câu chuyện của quản lý thị trường hay DN tự cứu lấy mình”, ông Tý chia sẻ.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mới đây cũng nhấn mạnh VN đang đẩy mạnh các biện pháp để mạnh tay xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các trang TMĐT.
Thực tế, nhiều phần mềm kinh doanh TMĐT do các tổ chức, DN trong và ngoài nước triển khai, đặc biệt phát triển qua App Store hay CH Play trên điện thoại thông minh, máy tính. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã làm việc với các lực lượng chức năng nhằm xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống lợi dụng TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu.
Theo đánh giá của Bộ TT-TT, việc quản lý các phần mềm này khá phức tạp, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Chẳng hạn, nếu phát hiện đăng bán, quảng cáo hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, cần gỡ đi hoặc phạt vi phạm hành chính… phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan từ công an, ngân hàng, công thương…
Thời gian tới, Bộ TT-TT cho hay sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan nhằm đẩy mạnh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa, kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng trên các ứng dụng TMĐT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.